Xác định chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi là trách nhiệm, nghĩa vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, tạo điều kiện giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều mô hình, chương trình được triển khai từ cơ sở đạt hiệu quả cao, có tính lan tỏa rộng rãi, tích cực cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thực hiện hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người cao tuổi.

Tuổi cao, gương sáng

Thời gian qua, người cao tuổi trong tỉnh đã phát huy tinh thần "Tuổi cao, gương sáng", tham gia hiệu quả vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và kinh nghiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Năm qua, với uy tín và tinh thần nêu gương, nhiều hội viên người cao tuổi trong xã Tứ Quận đã tích cực tham gia vận động con cháu, nhân dân hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn xã. Trong đó tiêu biểu có 16 hộ gia đình người cao tuổi thôn Nhùng Dàm đã hiến gần 5.000 m2 đất làm đường giao thông. 

Ngoài ra, hội viên người cao tuổi được quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần. Hiện nay, quỹ chăm sóc người cao tuổi của xã đã đạt 15 triệu đồng/năm. 

Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi xã Tứ Quận đã chủ động phối hợp với Trạm Y tế xã, tổ chức tư vấn sức khỏe định kỳ và khám bệnh tại nhà cho những hội viên bị bệnh hiểm nghèo, tàn tật. Để tập trung chăm lo đời sống tinh thần cho những hội viên vùng còn khó khăn, Hội đã để hướng dẫn, gây dựng CLB văn nghệ dưỡng sinh.

Các hoạt động tích cực, nhiều ý nghĩa của Hội đã tạo ra những chuyển biến đáng kể, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn.

Người cao tuổi phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, Tuyên Quang là mảnh đất hội tụ đa sắc màu văn hóa. Tuy nhiên, ở một số địa phương, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa đang có nguy cơ bị mai một do sự ảnh hưởng của lối sống hiện đại. 

Trước thực trạng đó, những người cao tuổi tâm huyết với văn hóa dân tộc ở các địa phương đã tập hợp thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa để khôi phục, duy trì tiếng hát, điệu múa, tiếng nói, trang phục… truyền thống của dân tộc.

nct 6.jpg
Người cao tuổi là thành phần không thể thiếu trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. 

Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã hơn 70 tuổi, là người tâm huyết với văn hóa dân tộc Sán Dìu. Nhiều năm qua, ông sưu tầm, phổ biến các bài hát Soọng cô truyền thống của dân tộc, tổ chức thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai. Năm 2004, khi mới thành lập, câu lạc bộ mới chỉ có 35 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi, đến nay, câu lạc bộ đã phát triển lên gần 200 thành viên với rất nhiều gương mặt trẻ. Bên cạnh các lớp học hát, câu lạc bộ còn mở các lớp truyền dạy tiếng nói của người Sán Dìu nhằm nuôi dưỡng, gìn giữ văn hóa độc đáo của người Sán Dìu cho lớp thanh niên trên địa bàn xã.

Tương tự như người Sán Dìu ở Ninh Lai, dân tộc Dao tiền ở xã Yên Nguyên cũng thành lập câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tiền với sự tham gia của rất nhiều người cao tuổi. Với 2 buổi tập luyện mỗi tuần, câu lạc bộ đã để cho các bài hát Páo dung và điệu múa truyền thống của dân tộc được vang lên, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người Dao tiền. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc do người cao tuổi làm chủ nhiệm, hoặc là những thành viên nòng cốt. Họ đã tích cực truyền dạy, đặc biệt là cho thế hệ trẻ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc,góp phần giữ gìn làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

H.An, Lê Diệp, Hoàng Giang