Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đến nay, Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 cả nước hoàn thành chỉ tiêu cấp 100% thẻ căn cước công dân đủ điều kiện trên địa bàn.

Để đạt kết quả trên, một phần nhờ sự đóng góp tích cực, nỗ lực xung kích, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số của các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Công an tỉnh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Sau một thời gian triển khai, đến nay, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập gần 300 tổ công nghệ số cộng đồng tại 216 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của hơn 6.000 đoàn viên thanh niên.

Các tổ này thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2. Chỉ tính từ ngày 15/4/2023 đến nay, đã có hơn 20.000 đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh tham gia tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt định danh điện tử tại các địa phương. Cán bộ đoàn viên các cấp đã thực hiện hướng dẫn kích hoạt thành công hơn 14.500 tài khoản định danh điện tử ở mức 1 và 2.

 Cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã thành lập gần 300 tổ công nghệ số cộng đồng tại 216 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của hơn 6.000 đoàn viên thanh niên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh và Tỉnh đoàn trong vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, Tỉnh đoàn đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể đến các cấp bộ đoàn trên toàn tỉnh.

Tuổi trẻ Tỉnh đoàn hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

"Nhiều giải pháp, cách làm quyết liệt được áp dụng như: giao chỉ tiêu cụ thể cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho từng đoàn viên; chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội trên toàn tỉnh duy trì thường xuyên, định kỳ hằng tuần hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử”. Các tổ thực hiện Đề án 06 tại cấp xã, ngoài vai trò của lực lượng công an xã chính quy thì luôn không thể thiếu lực lượng đoàn viên thanh niên - những người không kể ngày đêm, mưa nắng, đi từng ngõ, gõ từng nhà để cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử”, ông Hoài Nam cho hay.

Ngoài việc xung kích trong thực hiện Đề án 06, đoàn thanh niên ở Hà Tĩnh còn linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng các mô hình chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đầu năm 2023, Huyện đoàn Cẩm Xuyên đã tiến hành xây dựng và ra mắt cuốn sổ tay du lịch Cẩm Xuyên. Đây là cuốn sổ tay điện tử tích hợp hệ thống thông tin về những địa điểm di tích lịch sử, du lịch, thông tin các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ trải nghiệm tại Khu du lịch Thiên Cầm, các sản phẩm OCOP… để giúp du khách dễ dàng tìm kiếm.

Tại huyện đoàn Hương Sơn, đã ra mắt công trình “Hệ thống mã QR các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh thiếu nhi, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện và các văn bản pháp luật mới”. Công trình được triển khai thiết kế dưới dạng infographic dễ hiểu, dễ tiếp cận, được gắn tại 241/241 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên toàn huyện và các địa điểm công cộng đông người. Hệ thống này góp phần giúp đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt các nội dung, thông tin mới, nhất là về các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất để tiếp cận, khai thác.

Huyện đoàn Cẩm Xuyên trao tặng công trình chuyển đổi số “Thư viện số - đọc sách thông minh” cho các thôn, tổ dân số trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, nhiều mô hình chuyển đổi số khác cũng được hình thành thông qua các ý tưởng của đoàn viên thanh niên như: Thư viện số - đọc sách thông minh; số hóa lịch sử đoàn; số hoá các tài liệu, hiện vật, thông tin về các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ; ứng dụng chuyển đổi số trong tiếp sức mùa thi; số hóa sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sạch, nông sản hữu cơ, các chính sách nông nghiệp, nông thôn mới; số hóa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh...

Hiện nay, lực lượng nòng cốt của các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố là đoàn viên thanh niên, bởi đây là lực lượng tiếp cận nhanh chóng với các kỹ năng CNTT. Các đoàn viên đều rất tích cực để hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức thực hiện các tiện ích, ứng dụng về thanh toán trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến...

Phạm Thị Thiện, Trần Thị Ngọc Minh, Lê Thị Thúy, Nguyễn Mạnh Hưng, Trần Thị Thu Hằng