Theo The Art Newspaper, một bức tượng Phật bằng đồng trị giá 1,5 triệu USD đã bị đánh cắp hồi đầu tuần, từ phòng trưng bày Barakat Gallery ở Los Angeles (Mỹ). Ban đầu, tác phẩm được đặt tại chính điện của một ngôi chùa và có từ thời Edo của Nhật Bản (1603-1867) - giai đoạn ghi nhận nhiều thành tựu đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật của quốc gia này.

Bức tượng bằng đồng có từ thời Edo vừa bị đánh cắp. Ảnh: Barakat Gallery.

Paul Henderson, Giám đốc Barakat ở Los Angeles - phòng trưng bày nghệ thuật cổ xưa có không gian ở London và Seoul cho biết tác phẩm điêu khắc cao 1,2m và nặng khoảng 113,4 kg.

“Chúng tôi có đoạn phim an ninh ghi lại cảnh ai đó kéo một chiếc xe tải vào lúc 2h30 sáng 18/9. Tên trộm tiến ra ngoài, phá cổng, sau đó sử dụng thứ giống chiếc xe lăn để chuyển bức tượng và chất lên xe tải”, Henderson nói. Cũng theo phía phòng trưng bày, tên trộm hành động một mình trong khoảng 25 phút, sau đó nhanh chóng rời đi.

Do kích thước và trọng lượng tương đối lớn, tác phẩm điêu khắc được đặt ở sân sau của phòng trưng bày, nơi chủ yếu đặt các tác phẩm làm từ đá và cẩm thạch. Thêm việc tên trộm di chuyển tương đối nhanh và chỉ nhắm mục tiêu vào vật thể duy nhất này, phòng trưng bày cho rằng vụ trộm đã được tính toán trước.

Bức tượng là tác phẩm của nghệ nhân Tadazou Iinuma, phía trên có khắc dòng chữ: “Tạo bởi Tadazou Iinuma, năm thứ nhất Shouho, Kanoe. Được cầu nguyện và yêu cầu bởi Ryozen, chủ nhân của dòng Shingon, Dainichi-Nyorai, Đền Yudo-no-San, thuộc tầng lớp xã hội cao nhất”.

Dòng chữ ngụ ý rằng tác phẩm này được làm ra theo yêu cầu của một chức sắc tôn giáo tên Ryozen và có khả năng từng đặt tại Đền Yudo-no-San, một thánh địa trên núi Yudono của Nhật Bản.

“Tất cả chúng tôi đều rất bối rối. Rõ ràng đây là một vật có giá trị cao, quan trọng. Về mặt thẩm mỹ, đó là một món đồ rất thú vị và độc đáo”, Henderson cho biết thêm.

Theo ông, bức tượng là một tác phẩm điêu khắc dành cho việc thờ cúng từ hàng trăm năm trước, trở nên hiếm hoi ở thời điểm hiện tại. Do đó, mọi người không thể dễ dàng tìm thấy đồ vật tương tự trên thị trường, đồng nghĩa kẻ trộm rất khó bán.

“Chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu động cơ của vụ việc và nghĩ xem tên trộm sẽ làm gì với món đồ này”, Henderson nói. Hiện tại chưa có manh mối gì, phòng trưng bày đang làm việc với Sở cảnh sát Los Angeles và các đơn vị lân cận để xác định kẻ trộm.

Năm ngoái, phòng trưng bày Barakat Gallery ở London đã tự nguyện trả lại 2 hiện vật của Nepal được xác định bị đánh cắp từ các ngôi đền gần Kathmandu vào những năm 1980.