- Tôi quen một người đàn ông tự xưng là giám đốc một công ty buôn bán văn phòng phẩm. Trong thời gian quen nhau, anh ta tặng tôi rất nhiều món đồ có giá trị như đồng hồ, túi xách, dây chuyền vàng, nhẫn vàng… và cho tôi tiền mặt trị giá 200 triệu đồng. 

Vừa rồi, anh ta bị khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi việc tôi nhận tiền và quà như vậy có làm sao không? Tôi không hề hay biết về hành vi lừa đảo đó. Liệu tôi có phải trả lại tiền và quà không?

{keywords}
Tôi được anh ta tặng nhiều vật phẩm đắt tiền như trang sức, đồng hồ... (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Trường hợp nếu bạn không biết về hành vi lừa đảo đó và quà tặng là vật chứng của vụ án thì sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009:

“Điều 41. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.”

Nếu tài sản đó là tang vật vụ án thì sẽ bị thu giữ để trả lại cho người bị hại theo quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.

Thứ hai: Trường hợp nếu bạn biết về hành vi lừa đảo đó và biết tài sản là do phạm tội mà có thì bạn có thể bị xử lý về tội phạm chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tại Khoản 1 Điều 250 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hướng dẫn chi tiết điều luật trên, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền có quy định như sau:

“1. "Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Nếu bạn biết tài sản đó là phạm pháp mà có thì có thể bị xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Khi được cho tiền thì bạn cần hỏi rõ nguồn gốc tài sản hãy nhận kẻo tránh gặp rắc rối.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc