Lần đầu tiên, bộ Tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình (GVGĐ, còn gọi là osin) tại Việt Nam được hoàn thiện, nhằm hướng tới một đội ngũ GVGĐ tinh thông kỹ năng nội trợ, chăm sóc người già, trẻ em, thậm chí biết ngoại ngữ, sơ cứu tai nạn…
7 nhóm năng lực
Theo bộ tiêu chuẩn này (do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện), nghề GVGĐ gồm 7 nhóm năng lực, chia làm 21 tiêu chí, dày 60 trang. Một số tiêu chí cụ thể như:
Khả năng tính toán: Xác định nhu cầu bổ sung nguyên liệu, thành phần trong bữa ăn; công thức nấu ăn và thành phần thực phẩm đủ dinh dưỡng; cân và đo hóa chất, vật tư sử dụng; sử dụng tiền trong các tình huống liên quan.
Năng lực chế biến món ăn và đồ uống: Biết chế biến món ăn đảm bảo ngon miệng; biết đảm bảo an toàn thực phẩm; mặc quần áo sạch sẽ khi nấu ăn, khi bị ốm có khả năng gây mất vệ sinh cho đồ ăn phải thông báo cho chủ nhà; phải biết phòng tránh thực phẩm nhiễm bẩn; biết cách lưu trữ thực phẩm an toàn; nơi nấu ăn phải được dọn sạch sẽ; chất thải và đồ dơ phải được loại bỏ vào thùng rác…
Kỹ năng chăm sóc người cao tuổi: Nắm bắt tâm lý, thói quen, tính cách người cao tuổi; sở thích cá nhân của người được chăm sóc; hiểu biết về dinh dưỡng người già; biết trò chuyện với người già; xác định và ứng phó với các rủi ro liên quan đến người già; biết sử dụng các máy móc hỗ trợ sức khỏe…
Giúp việc gia đình Nguyễn Thị Thịnh (Nam Định) đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình chủ nhà ở Hà Nội |
Kỹ năng chăm sóc vật nuôi: biết cách cho vật nuôi ăn, tắm rửa cho vật nuôi; có các kiến thức phòng bệnh và nhận biết về bệnh của vật nuôi…
Theo trung tâm trên, tiêu chuẩn năng lực nghề GVGĐ sẽ là công cụ giúp cho người lao động định hướng nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng của bản thân thông qua việc học tập và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc để có sinh kế và việc làm bền vững. Bên cạnh đó người sử dụng lao động có cơ sở tuyển chọn lao động, bố trí công việc và trả lương hợp lý cho người lao động. Đồng thời, các cơ sở dạy nghề có căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
96% xuất thân từ nông thôn
Làm nghề GVGĐ được 3 năm trên Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thịnh (SN 1960, quê ở Hải Long, Hải Hậu, Nam Định) cho biết, công việc chính hàng ngày của bà là nấu cơm, giặt quần áo và lau dọn nhà cửa, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, ăn uống, sinh hoạt do chủ nuôi. Từ khi làm nghề GVGĐ bà Thịnh chưa từng được đào tạo qua trường lớp nào. “Chủ thuê mình làm hướng dẫn công việc, nếp sống của gia đình rồi mình làm theo. Ban đầu thì hơi bỡ ngỡ và bị nhắc nhở nhưng tôi làm được hơn 2 năm thì công việc cũng quen dần” - bà Thịnh nói.
Cũng làm nghề GVGĐ được hơn 2 năm với công việc chính là chăm sóc em bé, giặt đồ, bà Phạm Thị Minh (SN 1964, quê ở Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng chỉ làm theo kinh nghiệm bản thân mà chưa từng qua trường lớp đào tạo. Được hỏi nếu có đào tạo GVGĐ bà có tham gia không, bà Minh cười xòa: “Trông em bé thì việc gì phải học, tôi nuôi mấy đứa con ở quê đầy kinh nghiệm rồi”. Nhưng bà Minh cũng thừa nhận nuôi trẻ em thành phố không giống nông thôn nên nhiều khi bà cũng bị chê trách.
Theo TS Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD), 96% GVGĐ ở Việt Nam xuất thân nông thôn. Chỉ một số ít hoàn thành chương trình THPT. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không kiếm được việc làm ở quê hương nên bỏ ra thành phố tìm việc kiếm sống. Thu nhập trung bình của GVGĐ khoảng 3-7 triệu đồng/tháng.
“Mong muốn của những người thuê GVGĐ là làm công việc nội trợ, dọn dẹp, lau dọn nhà cửa và chăm sóc trẻ em một cách chuyên nghiệp. Nhưng 90% GVGĐ chưa được đào tạo mà làm việc hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của bản thân dẫn đến sự mâu thuẫn bức xúc giữa người tuyển dụng và người lao động” - bà Ngọc Anh cho biết.
77% muốn được đào tạo
Nghiên cứu, khảo sát của GFCD tại Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa và TP.HCM về thực trạng, nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cho thấy, trên 40% phụ nữ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có nhu cầu tìm việc làm GVGĐ nhưng đa số lao động trong lĩnh vực này còn thiếu kiến thức nghề, kinh nghiệm trong sử dụng đồ dùng gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và chế biến món ăn, kỹ năng ứng xử, đạo đức nghề còn kém. 77% GVGĐ muốn được đào tạo để có việc và lương cao hơn.
Từ thực tế đó, CFCD đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) xây dựng bộ tiêu chuẩn nói trên. Tiêu chuẩn này có tham khảo từ Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề giúp việc gia đình khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và chương trình trung cấp đào tạo nghề giúp việc gia đình của Tổng cục Dạy nghề năm 2014.
TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, tiêu chuẩn năng lực nghề được xây dựng công phu, nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế việc làm của người lao động. “Tuy nhiên GVGĐ Việt Nam khó có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn năng lực này ngay mà cần phải có lộ trình từng bước. Trước mắt nên đào tạo tùy theo đối tượng sử dụng lao động ví dụ như để chăm sóc người ốm thì GVGĐ cần đào tạo gì, chăm sóc trẻ con cần kỹ năng gì…” - ông Lợi nhấn mạnh.
TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Cần 350.000 người giúp việc
Thế giới có khoảng 53 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ GVGĐ, trong đó 83% là nữ giới. Hàng năm Việt Nam cũng đưa hàng nghìn lao động nữ đi làm GVGĐ ở nước ngoài (chủ yếu ở Cộng hòa Síp, Arab Saudi, Đài Loan - Trung Quốc)… Mặc dù số lượng còn ít, nhưng xu thế cho thấy những con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong vài năm tới. Bên cạnh đó thị trường GVGĐ nội địa ngày càng gia tăng, năm 2010 ước tính ở nước ta có hơn 200.000 lao động GVGĐ và dự báo đến 2020 lực lượng lao động này có thể lên tới 350.000 người. Tuy nhiên việc đào tạo nghề mới được thực hiện ở một số doanh nghiệp dịch vụ cung ứng GVGĐ ra nước ngoài. Còn thị trường nội địa, GVGĐ vẫn chủ yếu làm việc dựa trên kinh nghiệm. Một yếu tố chủ quan xuất phát từ định kiến xã hội nên quan điểm của đa số người lao động và người sử dụng lao động cho rằng đây là công việc tạm bợ, người đi theo nghề này chủ yếu là đối tượng có trình độ học vấn thấp. ASEAN sẽ mở cửa vào cuối năm 2015, nếu không sớm chuyên nghiệp hóa nghề GVGĐ người lao động Việt Nam khó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn làm việc, thậm chí ngay cả với các công việc giản đơn. Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm CFCD: Có thể được trả lương tới 20 triệu đồng Qua khảo sát, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, chúng tôi đã gặp GVGĐ người Philippines được trả lương tới 18-20 triệu đồng/tháng. Các đối tượng này am hiểu tiếng Anh để giao tiếp với chủ, hiểu biết sử dụng các thiết bị điện tử gia đình, khéo nấu ăn, thông thạo kỹ năng nội trợ. Không những thế, họ còn biết kỹ năng chăm sóc sức khỏe gia đình, biết xử lý các tình huống cấp cứu, cư xử khéo léo. Họ dạy tiếng Anh cho con ông bà chủ, đưa đón con họ đi học… Tôi nghĩ, nếu người GVGĐ ở Việt Nam cũng được đào tạo kỹ năng cao như vậy, họ có khả năng hướng tới mức lương như thế” . |
(Theo Dân Việt)