Đường Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình và phường Láng Thượng, quận Đống Đa) có chiều dài 1,8km nhưng là tuyến đường có số lần thay thế, di dời cây xanh nhiều nhất Thủ đô.

Năm 2015, theo chủ trương thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Thủ đô, cây xanh trên tuyến đường này cũng thuộc diện di dời, thay thế, trồng mới.

3 năm sau, năm 2018, Hà Nội tiếp tục thí điểm trồng cây phong lá đỏ để tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị và tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng tiếp tục được lựa chọn để trồng thí điểm 262 cây phong lá đỏ.

Hàng cây hoa sữa trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh sẽ được "tỉa bớt", di dời và trồng mới thay thế vì mùi hương quá nồng nặc. Ảnh: Thảo Phương

Tuy nhiên, cũng chỉ 3 năm sau đó, tháng 6/2021, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục đề xuất về phương án thay thế 262 cây phong vừa được trồng với lý do “sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường”.

Theo đó, 45/262 cây phong lá đỏ không thích nghi và chết; 217 cây còn lại sinh trưởng kém, héo lá; cành, nhánh khô và sâu bệnh, không ra lá màu đỏ như dự kiến mà chỉ ra lá màu xanh. Một số cây còn bị chết khô do chưa thích nghi với khí hậu Thủ đô.

Những cây phong lá đỏ còn sống được di chuyển về vườn ươm ở Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) để chăm sóc, sau đó tính toán nơi trồng sao cho phù hợp. Vị trí trồng phong lá đỏ trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được thay thế bằng cây bàng lá nhỏ - một loại cây ngoại lai còn có tên gọi “cây bàng Đài Loan”.

80 cây hoa sữa sẽ bị di dời, thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Mới đây, Ban quản lý dự án quận Đống Đa đề xuất phương án di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn nhằm… hạn chế mùi hương quá nồng nặc.

Ngoài số lượng cây hoa sữa đề xuất di dời, quận Đống Đa cũng xin ý kiến di dời hàng chục cây lát hoa.

Đây là lần thứ 4 kể từ năm 2015 đường Nguyễn Chí Thanh có phương án thay đổi, di dời, thay thế chủng loại cây xanh.

Di dời cây hoa sữa để “thay áo” cho đường Nguyễn Chí Thanh?

Ngày 3/12/2021, UBND quận Đống Đa ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh. 

Phối cảnh 3D tuyến đường Nguyễn Chí Thanh sau chỉnh trang và được đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo.

Tiếp đó, quận này cũng ban hành các quyết định (ngày 21/1/2022) phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; quyết định (30/6/2022) của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa về việc phê duyệt xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. 

Dự án Chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh nhằm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo sẽ được triển khai các nội dung chính như: Lát hè và đặt bó vỉa có đan bằng đá tự nhiên; Xây dựng ô bó gốc cây bằng đá tự nhiên; bổ sung dải cây xanh, giàn hoa leo tại vị trí thích hợp…

Trong dự án trên, quận Đống Đa cũng có kế hoạch xin di dời hơn 80 cây hoa sữa vì lý do “mùi hương nồng nặc” khiến dư luận quan tâm.

Hoa sữa bắt đầu đến mùa nở hoa trên nhiều tuyến phố Thủ đô.

Theo thuyết trình của dự án, trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh (từ nút giao đường Láng đến phạm vi đường Vành Đai I) có tổng số 212 cây trong đó 118 cây Hoa Sữa chiếm mật độ khá dày đặc.

Cây xanh bóng mát phát triển tốt gồm nhiều chủng loại cây nhưng chủ yếu là cây hoa sữa, lát hoa và một số cây không phải là cây đô thị do dân tự trồng như đa, mâm xôi, trứng cá... Khoảng cách các cây trung bình là 7,0-10m; đường kính cây D từ 15-80cm; các ô bó gốc cây hầu hết bị nứt vỡ hoặc bong tróc do rễ cây phát triển mạnh, trồi lên hè. 

Đặc biệt, trên tuyến Nguyễn Chí Thanh có mật độ cây hoa sữa dày (đậm đặc) vào mùa hoa nở, tỏa ra mùi hương nồng nặc đã gây ảnh hưởng đến khu dân cư trong khu vực.

Nhằm mục đích tạo điểm nhấn về kiến trúc và hạn chế mùi đậm đặc của các cây hoa sữa khi ra hoa, UBND quận Đống Đa lập phương án nhằm giãn mật độ bằng cách di chuyển, thay thế một số cây hoa sữa hiện trạng bằng cây hoa ban, lát hoa. 

Số lượng cây thay thế, trồng mới bổ sung khoảng hơn 100 cây nhằm tạo nên diện mạo mới của tuyến phố điểm.

Trước đề xuất này, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu quận Đống ĐA cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.

Cho rằng việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là "vấn đề nhạy cảm, phức tạp", Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc thay thế cây được người dân ủng hộ.

Sở Xây dựng cũng đề nghị quận Đống Đa không dịch chuyển cây lát hoa để tránh lãng phí.

Với cây hoa sữa, Sở lưu ý xem xét, đánh giá mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc. Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn, đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội để thống nhất vị trí trồng tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500m ở khu xử lý chất thải Xuân Sơn.

>>Xem tin nóng: Ô tô Ferrari va chạm với xe máy lúc rạng sáng, 1 người tử vong