Chọn ngành phù hợp, đón đầu xu hướng

- Trước mùa tuyển sinh 2023, nhiều học sinh băn khoăn với quyết định chọn trường đại học, ngành học để đón đầu xu hướng việc làm, ông chia sẻ như thế nào về việc này?

Nhiều năm về trước, tôi cùng con gái cũng băn khoăn với câu hỏi lựa chọn ngành phù hợp mà vẫn đón đầu được xu hướng việc làm.

Theo tôi, với câu chuyện chọn ngành, chọn trường, các em cần đặc biệt lưu ý 4 vấn đề: Năng lực của bản thân; nhu cầu về nguồn nhân lực trong 4 năm tới; sở thích và đam mê; năng lực tài chính của gia đình. 

Ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thăng Long. Ảnh: Trường ĐH Thăng Long

- Đòi hỏi của xã hội với nhân lực ngày càng cao, theo ông các trường đại học cần làm gì để bắt kịp xu thế?

Giáo trình đào tạo phải mở, theo xu hướng xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Phần thực hành phải chiếm thời lượng lớn. Hiện nay, câu chuyện này rất khó khăn. 

Ví dụ, việc đào tạo thanh nhạc của Việt Nam. Giới trẻ rất thích âm nhạc của Hàn Quốc, phương Tây… Các cơ sở đào tạo lúng túng và đặt câu hỏi, chương trình, bài giảng sẽ ra sao để đáp ứng đòi hỏi của xã hội?

Đại diện Trường ĐH Thăng Long đã sang Hàn Quốc học tập và thấy rằng, đào tạo thanh nhạc của họ khác xa với suy nghĩ truyền thống của chúng ta. Nó là 1 dây chuyền sản xuất công nghiệp. Họ đào tạo ra 1 nghệ sĩ biết hòa âm, phối khí, đánh một loại nhạc cụ, nhảy, thu âm. Để tốt nghiệp, sinh viên phải thi hát đơn, hát nhóm, tự sáng tác, ra được MV… 

Sinh viên học, giao lưu kết bạn trong vườn sinh viên xanh mát. Ảnh: Trường ĐH Thăng Long

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng dẫn chứng Hàn Quốc - một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hóa, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hóa, "Chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy Hyundai".

Ví dụ như trên để thấy rằng, nếu chương trình không thay đổi thì sẽ bị tụt hậu, sinh viên không có những kiến thức hợp thời. Đó cũng chính là một nguyên nhân gây thất nghiệp. 

Kinh nghiệm và trải nghiệm luôn song hành

- Quay trở lại câu chuyện việc làm, có điểm bất lợi của sinh viên mới ra trường là chưa có kinh nghiệm, nhưng không đồng nghĩa với việc thiếu đi sự trải nghiệm. Cơ sở giáo dục phải chuẩn bị gì cho sinh viên?

Kinh nghiệm và trải nghiệm luôn song hành với nhau. Làm gì cho sinh viên để khi ra trường sinh viên có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được xu hướng phát triển của thế giới? Đó là câu hỏi mà mẹ tôi, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - người sáng lập trường Đại học Thăng Long đã đặt ra.

Hiện bà vẫn là Chủ tịch Hội đồng trường. Tư tưởng “làm mọi điều tốt nhất cho sinh viên” của bà được hội đồng trường tiếp lửa, coi là yếu tố sống còn của trường trong thời đại 4.0. 

Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng được thực hành với các tình huống giả lập. Ảnh: Trường ĐH Thăng Long

Không có gì tốt bằng được trải nghiệm cuộc sống thực tế, cập nhật kiến thức, tư duy mới nhất ngay từ khi học đại học. Vì vậy, trường ĐH Thăng Long đã được xây dựng, thiết kế theo mô hình đô thị đại học. 

Ngôi trường như một xã hội thu nhỏ. Các em có thể sinh hoạt từ sáng tới tối, có quán ăn, quán cà phê, rạp chiếu phim, sân thể thao bóng truyền, bóng rổ, bóng bàn, tập gym, sân vườn có các phòng tự học… Trong phòng tự học, các em có thể học, trao đổi… 

Sinh viên trường ĐH Thăng Long năng động, tự lập. Ảnh: Trường ĐH Thăng Long

Trong đô thị này có 25 câu lạc bộ, các em được phát huy niềm năng, thỏa mãn đam mê, giao tiếp… Trường tổ chức nhiều sự kiện lớn về thể thao, văn nghệ, thu hút được lượng lớn sinh viên, thanh niên ở ngoài tới để cùng sinh hoạt. 

Đô thị đại học là tiền đề về xu hướng thế giới Happy school (trường học hạnh phúc), nơi mà các em sinh viên hạnh phúc, được quan tâm, chăm sóc như chính ngôi nhà của mình.

 Trường ĐH Thăng Long nằm trong top trường có cơ sở vật chất đẹp nhất ở Hà Nội. Ảnh: Trường ĐH Thăng Long

Sau 35 năm ra đời, mô hình của trường Đại học Thăng Long đã có những thành công nhất định. Chúng tôi tự hào khi sinh viên ra trường có kiến thức sát với thực tế và được các tập đoàn lớn, nhà tuyển dụng đánh giá cao về sự sáng tạo, năng động, tư duy đổi mới, linh hoạt và khả năng ứng dụng tốt về máy móc, công nghệ mới.

Theo báo cáo đánh giá của TT Kiểm định chất lượng giáo dục năm 2018, ĐH Quốc gia Hà Nội (thực hiện 5 năm một lần), tỷ lệ sinh viên trường Đại học Thăng Long tốt nghiệp có việc làm ngay năm đầu là 93,7%. Là đơn vị giáo dục, chúng tôi rất vui mừng.

- Mùa tuyển sinh đang đến, trước nhiều băn khoăn của học sinh. Lời khuyên của ông một cách ngắn gọn nhất?

Các em đang ở tuổi đẹp nhất của đời người nên hãy lựa chọn con đường để mình phát triển rực rỡ nhất. Hãy chọn một ngành phù hợp với năng lực, yêu thích, theo xu hướng của thời đại và chọn một môi trường văn minh, nơi các em được học tập, rèn giũa một cách đúng nghĩa. 

Lệ Thanh (thực hiện)