Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất tỉnh Bình Phước, giáp ranh với Đắk Nông và Campuchia. Đây là nơi được đánh giá về đa dạng sinh học với hàng nghìn loài thực vật, hơn 800 loài động vật. Vườn là nơi bảo tồn mẫu chuẩn sinh thái và các nguồn gen quí hiếm của các loài động – thực vật rừng ẩm nhiệt đới.  Vì vậy, công tác bảo vệ rừng luôn được Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt hàng đầu. Đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ mang lại nhiều hiệu quả. 

Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, nói không với các hành vi: buôn bán, tiêu thụ, săn bắt, khai thác, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.

Anh Nguyễn Đức Trọng – cán bộ công tác tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ, hiện nay nhận thức của người dân về nuôi nhốt, buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp người dân đã tự nguyện giao nộp các cá thể động vật cho khu bảo tồn.

dong vat hoang da.png
Các cá thể động vật được người dân giao lại cho Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ, bảo tồn. 

Cuối tháng 10/2023, Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ, bảo tồn, Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiến hành tái thả 07 cá thể động vật rừng đã cứu hộ thành công về lại môi trường rừng tự nhiên tại Tiểu khu 14 và 23 thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Các cá thể động vật bao gồm: 01 cá thể Trăn gấm , 01 cá thể Kỳ đà vân,  01 cá thể Cu li nhỏ, 01 cá thể Khỉ đuôi lợn và 03 cá thể Tê tê java. Toàn bộ số động vật này là do người dân tự nguyên giao nộp.

Hay trường hợp khác tại một ngôi chùa ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Du khách thập phương tới chùa đã phóng sinh tại chùa 4 cá thể Khỉ đuôi lợn. Đây là động vật rừng thuộc nhóm IIB, nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/9/2021. Sau đó, các chú tiểu tại chùa đã chăm sóc và nuôi dưỡng.

Qua thông tin nắm bắt, các cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Lộc Ninh và chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền về các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Nhà chùa đã có nguyện vọng bàn giao lại 04 cá thể khỉ cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên.

Đặc biệt, Ban Quản lý Vườn cũng phối hợp với các địa phương thuộc vùng đệm của Vườn tuyên truyền trực tiếp cho người dân. Nhân viên của Vườn hướng dẫn người dân nhận diện một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, giới thiệu với người dân về vai trò, giá trị quan trọng của rừng, hướng dẫn nhận diện một số loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của thế giới.

Qua các buổi tuyên truyền, cán bộ của Vườn quốc gia cũng giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và kêu gọi nhân dân chung tay bảo vệ rừng. Từ đó, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn động vật hoang dã, thực vật quý hiếm nâng lên, tiếp tục đóng góp tích cực vào bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Các hành vi liên quan tới tội phạm đa dạng sinh học đã giảm đáng kể. 
 

 
 

Thục Anh và nhóm PV, BTV