Từ năm 2011, Khánh Hòa là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong xây dựng và triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, việc thực hiện chương trình giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 35,25%, bình quân giảm 9%/năm; thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số hơn 14 triệu đồng/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015...

Nhiều tuyến đường ở Khánh Hoà đã được đầu tư, mở rộng, tạo thuận lợi cho giao thương.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra những giải pháp, nội dung, mức độ đầu tư đa dạng, sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. 

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ có 9 dự án thành phần được triển khai bao quát các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Cụ thể là, các dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân khó khăn; phát triển sinh kế; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư đồng bộ, quy mô hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, các dự án thành phần của chương trình còn tập trung phát triển giáo dục; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới.

Riêng trong năm 2022, Nhà nước dành khoản ngân sách gần 122,7 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần của chương trình.

Theo kế hoạch giai đoạn 1 (2021 - 2025), chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, mức thu nhập của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020, đạt mức hơn 28 triệu đồng/người/năm; hơn 90% số hộ thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất sẽ được giải quyết; hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Duy Linh, Hồ Lợi, Ngọc Dũng, Minh Hưng