UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 353 về phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, tính theo chỉ tiêu trên một vạn dân, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 15 bác sĩ; 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 8,4 dược sĩ đại học. Hiện, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân của Hà Nội là 13,7 - cao hơn mức trung bình ở Việt Nam là 10 bác sĩ.
Tỷ lệ nhân lực y tế trình độ đại học trở lên của khối tư nhân cao hơn công lập
UBND TP Hà Nội nhận định, dù có hiện tượng nhân viên y tế công lập thôi, nghỉ việc nhưng số lượng nhân lực làm chuyên môn y tế tại các đơn vị có xu hướng tăng nhẹ, cơ cấu nhân lực khá ổn định.
Nhân lực y tế khối công lập và tư nhân ở Hà Nội gần tương đương nhau, khoảng 26.500 và 24.800, với hơn 5.000 bác sĩ cho mỗi khối, số liệu tính tới hết năm 2021.
Tại Hà Nội, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học ở khối tư nhân cao hơn so với khối công lập. Cụ thể, hơn một nửa cán bộ tại cơ sở y tế tư nhân có trình độ đại học và sau đại học, trong khi tỷ lệ này ở khối công lập là hơn 40%. Tỷ lệ này ở tuyến y tế cơ sở càng thấp hơn.
Một trong 4 nhóm giải pháp chủ yếu được Hà Nội đặt ra là tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giường bệnh.
Theo đó, Hà Nội đặt kế hoạch đến năm 2025, dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác.
Ngoài ra, Thủ đô sẽ tuyển dụng nguồn nhân lực thay thế nguồn nhân lực có biến động tại các cơ sở y tế công lập (nghỉ hưu, chuyển việc, thôi việc...); động viên cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại các cơ sở trong và ngoài công lập.
Theo kế hoạch, nguồn kinh phí để tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2022-2025 là gần 500 tỷ đồng.
Y tế công chịu sức ép cạnh tranh rất lớn nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện, hơn 88% trạm y tế xã/phường ở Hà Nội có bác sĩ cơ hữu (biên chế tại trạm). 66 trạm y tế còn lại phải đưa bác sĩ từ trung tâm y tế tuyến quận/huyện luân phiên về. Hà Nội phấn đấu tới năm 2025 sẽ nâng lên 95%.
Theo UBND TP Hà Nội, chế độ đãi ngộ đối với ngành y còn hạn chế nên tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu. Nhân lực của một số chuyên ngành như Lao, Tâm thần, Truyền nhiễm, Giải phẫu bệnh, Pháp y chưa đủ.
Hơn thế, việc đào tạo y tế cần thời gian dài, khối lượng kiến thức lớn, trong khi học phí cao, không phù hợp với thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, nguồn thu của các đơn vị tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc cử cán bộ đi đào tạo dài hạn.
Các cơ sở y tế công lập phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao với các cơ sở y tế ngoài công lập, các cơ sở y tế Trung ương, bộ, ngành, theo UBND TP. Nếu không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch phù hợp, các đơn vị sẽ khó thu hút, giữ chân người lao động có chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế được cử đi đào tạo, sau khi hoàn thành khóa học có nguyện vọng chuyển công tác tới các bệnh viện tuyến cao hơn gây khó khăn cho một số bệnh viện, bởi thực hiện tự chủ tài chính các bệnh viện rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút người bệnh.