Nghệ An là địa phương vốn có thế mạnh về nghề khai thác thủy hải sản xa bờ. Toàn tỉnh có 104 tàu cá (tàu vật liệu vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ composite 5 tàu) được đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP, với tổng nguồn vốn đã giải ngân gần 860 tỷ đồng. Các tàu 67 đánh bắt bằng các nghề: Chụp, lưới rê, vây.

Ông Phùng Bá Thu một trong những người đầu tiên đóng tàu thân vỏ composite  chỉ về con tàu đóng theo Nghị định 67 nằm bờ gần 2 năm nay - Ảnh: Hoà Bình

Giấc mơ làm giàu từ biển phá sản

Một trong số ít ngư dân tiên phong đóng tàu 67 trên địa bàn là ông Phùng Bá Thu (SN 1974, trú khối 9, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò). Ông cho biết, năm 2017, để sở hữu con tàu sắt công suất 830 mã lực trị giá 12,3 tỷ đồng, ông đã thế chấp nhà đất và vay thêm 11,2 tỷ đồng của ngân hàng.

Ngư dân Phùng Bá Thu trao đổi với phóng viên tại nhà. Ảnh: Quốc Huy

Hơn 30 năm bám biển, dạn dày kinh nghiệm, ông Thu tự tin với con tàu lớn, hiện đại này sẽ hiện thực hóa giấc mơ làm giàu bằng nghề biển mà cha ông gắn bó.

"Tàu lớn nên lượng nhiên liệu tiêu hao lớn, chi phí bỏ ra nhiều nhưng năng suất không là bao. Nếu như hai năm trước, mỗi chuyến ra khơi hết 180 - 200 triệu đồng tiền dầu thì năm nay phải hơn 300 triệu đồng. Ngư trường cũng cạn kiệt, năng suất không đủ trang trải chi phí, bạn tàu không có thu nhập cũng bỏ đi”, ông Thu tâm sự.

Tàu cá của ông Phùng Bá Thu gửi vào Ninh Thuận để đánh bắt cá - Ảnh: Quốc Huy

Không thể bám trụ, ông Thu đành phải gửi tàu cho một ngư dân ở Ninh Thuận khai thác và được trả tiền theo thỏa thuận hằng năm. Sau hơn 5 năm đóng tàu sắt, ông Thu ôm nợ gần 8 tỷ đồng và chưa biết bao giờ trả hết.

Dẫn chúng tôi ra cảng Cửa Lò, chỉ tay vào con tàu vỏ thép mang số hiệu NA 98286 – TS nằm khuất nơi góc cảng, ông Thu cho biết, "đây là tàu 67 của một ngư dân khác trên địa bàn nằm bờ gần 2 năm nay. Hiện chủ tàu đang nợ nần chồng chất..."

Ông Phùng Bá Thu cho biết, sau khi đóng tàu, năm đầu tiên ngư dân chủ yếu tập làm quen với tàu, nên chỉ hoạt động được 6 phiên biển. Áp lực nhất lại bị ngân hàng kiện vì không thể trợ nợ gốc lẫn lãi và vốn vay 300 triệu đồng/quý.

“Giá như chính sách tính đến sự cố hỏng máy, giá xăng dầu, giá cả thủy sản bấp bênh, thời tiết xấu thì chúng tôi còn đỡ. Mong muốn lớn nhất của ngư dân chúng tôi lúc này là được hỗ trợ về cơ chế chính sách để tiếp tục vươn khơi bám biển và có cơ hội trả nợ ngân hàng, kiếm sống”, ông Thu chia sẻ.

Càng cố gắng bám biển càng lỗ

Ông Trần Văn Lượng (SN 1970), quê ở Quảng Ngãi, có tàu neo ở cảng Cửa Hội (Nghệ An) cho biết, hai con tàu của ông được đóng tại Nghệ An năm 2018, công suất 1.300 mã lực, trị giá thời điểm đó là 15 tỷ đồng. Từ ngày hạ thuỷ đến đầu năm nay, chưa bao giờ tàu cá của ông phải bù lỗ, hầu hết ra khơi đều có lãi từ “kho vàng dưới đáy biển”, tôm, cá đầy khoang trở về bờ.

Ông Trần Văn Lượng lên kiểm tra tàu trong quá trình nằm bờ vì giá dầu cao, thu không bù chi. Ảnh: Quốc Huy

Cuối tháng Giêng, hai con tàu của ông cùng 15 thuyền viên ra biển đánh bắt cá. Sau 10 ngày trở về, mỗi con tàu ông phải bù lỗ 80 triệu đồng tiền dầu, chưa tính tiền công thuyền viên.

Mỗi ngày di chuyển trên biển, hai con tàu của ông Lượng tiêu thụ hết khoảng 2 tấn dầu. So với năm 2021, giá dầu đã tăng lên hơn 4.000 đồng/lít. Tính ra mỗi ngày, chủ tàu phải bù lỗ 8 triệu đồng. Giá dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chủ tàu và các thuyền viên.

“Mùa này sứa rất nhiều nên khó đánh bắt các loại cá. Với giá dầu như hiện nay, khủng hoảng kinh tế ngư nghiệp là chắc chắn. Tôi làm nghề đã 41 năm, nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như vậy. So với năm 2014, giá dầu tăng 3.000 đồng/lít nhưng hồi đó cá quá nhiều, có thể bù lỗ” - ông Lượng nhớ lại.

Cũng theo ông Lượng, hiện nay các tàu có công suất lớn đi biển dài ngày đều không dám xuất bến. Ông cho biết, trong 10 ngày di chuyển trên biển, tàu cá của gia đình đã tiêu hao hết khoảng 450 triệu tiền dầu và gần 100 triệu đồng chi phí khác.

"Chạy xa tốn dầu, sản phẩm thu hoạch được khi đưa vào bờ bán không được giá. Tàu của chúng tôi quyết định nằm lại cảng Cửa Hội, chờ giá thủy sản tốt hơn mới dám ra khơi", ông bộc bạch.

Ông Lượng cũng mong nhà nước có chính sách hỗ trợ bù lỗ để ngư nghiệp phát triển bền vững. 

Ngân hàng phát mại, tàu cá 67 nằm bờ

Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò) Nguyễn Tiến Lợi cho biết, phường có 4 tàu cá được đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP.

“Sau khi đưa vào hoạt động, hiện 1 tàu đã phát mại, 1 tàu nằm bờ nhiều năm, 2 tàu còn lại hoạt động cầm chừng. Tàu 67 tại địa phương gần như không mang lại hiệu quả”, ông Lợi chia sẻ.

Tàu cá (bên phải) vay vốn ngân hàng theo Nghị định 67 của một ngư dân nằm bờ gần 2 năm nay không hoạt động - Ảnh: Quốc Huy

Theo ông Lợi, tàu vỏ thép 67 đã tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân. Đây cũng là loại tàu cá góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản. Đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ tàu gặp khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nợ ngân hàng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Nghệ An, có 60/104 tàu lâm vào cảnh nợ xấu.

Trong tổng số 60 tàu thuộc nhóm nợ xấu, có 43 tàu do không trả được nợ vay cũng như vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng. Các ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng. Trong đó có 6 tàu đã đấu giá thành công.

Những con tàu vỏ thép nằm bờ rỉ sét, những ngư dân tỷ phú một thời yêng hùng bám biển nay lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu, điêu đứng vì không còn phương tiện mưu sinh, nhiều chủ tàu phải đi đánh cá thuê kiếm sống.

Hòa Bình - Quốc Huy