Bài 1: Người Việt giàu nhanh nhất thế giới, trông đợi các 'cỗ máy in tiền'

Bài 2: Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD: Chờ một cú bứt phá thập kỷ

Tài sản tăng gấp đôi

Theo Forbes, tính tới 24/2, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có khối tài sản 2,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với hồi tháng 11/2022.

Sở dĩ tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh trở lại vì gần đây cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục lên giá mạnh mẽ, từ mức khoảng 22.800 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2023 lên mức 29.000 đồng/cp như hiện tại.

Trước đó, hồi tháng 10/2022 cổ phiếu HPG có lúc xuống gần tới ngưỡng 11.000 đồng/cp, khi đó tài sản của ông Trần Đình Long rớt về 1,2 tỷ USD theo tính toán của Forbes. Đây cũng là khoảng thời gian đen tối nhất của HPG do bất động sản đảo chiều trầm lắng, giá than luyện gốc tăng gấp 3 lần bình thường, giá USD tăng vọt...

Trong hai tuần đầu năm Giáp Thìn, cổ phiếu HPG hồi phục và lên vùng đỉnh 21 tháng trong bối cảnh lượng thép và giá thép bán ra trong vài quý gần đây tăng trở lại, khi nhu cầu tiêu thụ thép trong nước cũng như thế giới dù vẫn còn yếu nhưng đã hồi phục đáng kể.

Trong nước, đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng được ráo riết đẩy mạnh, nhiều dự án trọng điểm được triển khai như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, các đường vành đai tại Hà Nội, TP.HCM...

Mặc dù lợi nhuận của Hòa Phát chưa thực sự bứt phá trở lại nhưng doanh thu của Hòa Phát đã gia tăng, thị phần cũng có xu hướng nhích lên, củng cố thêm vững chắc vị trí số 1 tại Việt Nam.

trandinglongbigsize hh3ok.jpg
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hoàng Hà

Trong quý IV/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 16% so với năm trước đó.

Hiện Hòa Phát có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù vẫn đang trên đà hồi phục và lợi nhuận còn thấp xa so với kỷ lục ghi nhận năm 2021, nhưng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát gần đây thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức trong nước và cả các cá nhân. Điều này trái ngược xu hướng bán mạnh của khối ngoại trong năm 2022 và nửa đầu 2023.

Số lượng cổ đông của HPG cũng tăng mạnh, thêm cả chục nghìn mỗi năm, lên khoảng 180 nghìn cổ đông. Đây là doanh nghiệp có số cổ đông nhiều nhất sàn chứng khoán. Cũng chính vì vậy, HPG được xem là "cổ phiếu quốc dân".

Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư nằm ở chỗ, ban lãnh đạo của Hòa Phát, đứng đầu là ông Trần Đình Long, rất quyết liệt trong triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và được xem là minh bạch, trung thực hàng đầu trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cú hích để tỷ phú Long giàu hơn

Giờ đây, giới đầu tư đang kỳ vọng vào chu kỳ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mới của Hòa Phát nhờ đại dự án Dung Quất 2. Nhiều người kỳ vọng, lợi nhuận có thể tăng gấp đôi như dự báo của tỷ phú Trần Đình Long.

Điều này đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu HPG sẽ tăng vọt, tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long có thể tăng gấp đôi so với hiện tại, lên gần 5 tỷ USD - ngang ngửa, thậm chí hơn cả tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Trong một báo cáo mới đây, SSI Research dự báo sự thiếu hụt nguồn cung trong nước cùng với việc tăng cường xuất khẩu sẽ giúp Hòa Phát đẩy mạnh phân khúc thép HRC trong vài năm tới, khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Báo cáo cho rằng, nhu cầu thép sẽ phục hồi trong năm 2024, tăng trưởng hơn 6% so với năm trước.

Kinh tế Việt Nam hiện có nhiều tín hiệu tích cực và được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024. Ngay tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng.

Thị trường bất động sản có những tín hiệu tích cực và được kỳ vọng sẽ nối tiếp những điểm sáng.

Trong năm 2024, định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp thị trường bất động sản duy trì đà hồi phục. Một lượng lớn tiền gửi dân cư từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đến kỳ đáo hạn sẽ quay trở lại sản xuất. Một phần trong số đó sẽ tìm tới các kênh đầu tư. Trong đó, đầu tư bất động sản luôn được ưu tiên. Khi chính sách điều hành ổn định, niềm tin NĐT trở lại cũng là lúc thị trường bất động sản có xu hướng ấm lên.

Việc Quốc hội chính thức thông qua 3 luật quan trọng ảnh hưởng trực diện tới ngành địa ốc là Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi), chính thức áp dụng từ 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản khởi sắc và phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo dự báo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9% trong năm 2024. Giá thép được dự báo tăng do Trung Quốc dự kiến giảm xuất khẩu. Đây là yếu tố có lợi cho các doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát.

Dự án Dung Quất 2, với tổng đầu tư lên tới 3 tỷ USD, đã đạt 45% tiến độ. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của HPG sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. 

Đây được xem là một cú hích lớn cho Tập đoàn Hòa Phát. Tại ĐHCĐ năm 2023, ông Trần Đình Long cho hay hết năm nay, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 hoạt động, doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận theo đó cũng gia tăng mạnh. Khi đó, ttài sản của ông Long cũng tăng tốc, có thể lên sát tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thậm chí có thể trở thành người giàu nhất Việt Nam.

Sự bứt phá về quy mô vốn, quy mô tài sản của Hòa Phát, cùng với các tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan, Techcombank, FPT... trong thập kỷ mới sẽ sản sinh thêm nhiều triệu phú USD, tỷ phú USD người Việt.

Trong một báo cáo vừa được New World Wealth và hãng tư vấn đầu tư Henley & Partners công bố, tỷ lệ tăng trưởng tài sản tích lũy của người Việt Nam sẽ nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới, với mức bứt phá lên đến 125%.

Theo New World Wealth, hiện Việt Nam có 19.000 triệu phú USD và 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.