Mức thù lao của các đại gia Việt - người chèo lái doanh nghiệp luôn là điều được nhiều người quan tâm.
Thù lao tỷ đồng thời khó
Trong lúc các doanh nghiệp dồn dập công bố kết quả kinh doanh quý III/2023, CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) vừa báo cáo bán niên 2023 đã soát xét với lợi nhuận giảm mạnh. Cổ phiếu doanh nghiệp này gần đây cũng bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/10. Tuy nhiên, thù lao lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản này vẫn rất cao, có người lên tới gần 1,4 tỷ đồng/tháng.
Theo đó, thù lao cho Chủ tịch HĐQT Trần Thọ Thắng đạt hơn 8,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tương đương hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Khoản thu nhập nhập này đã giảm so với mức gần 9,7 tỷ đồng cùng kỳ nhưng cao gấp 300 lần so với thu nhập của các thành viên còn lại.
Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và có một số dự án tiêu biểu như Khu đô thị Tây Bắc, dự án Nam An Hòa, dự án Hoa viên nghĩa trang Vĩnh Hằng… Theo CKG, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm do chi phí lãi vay cao, thị trường địa ốc trầm lắng và phải bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi…
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận lợi nhuận lao dốc thảm hại, giảm 96% so với cùng kỳ xuống còn 39 tỷ đồng (so với quy mô vốn hóa hơn 55.000 tỷ đồng). Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, thành viên HĐQT Đoàn Văn Hiểu Em và Tổng Giám đốc Trần Huy Thanh Tùng không nhận lương trong quý này.
Dù vậy, thành viên Robert Willett vẫn có lương 1 tỷ đồng trong quý III. Tổng thu nhập từ lương các lãnh đạo cấp cao của MWG ở mức 3,6 tỷ đồng, so với mức 8,5 tỷ đồng trong năm 2022 và trên 10 tỷ đồng bình quân nhiều năm trước đó.
Trong quý III/2023, lợi nhuận Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm 86% so với cùng kỳ nhưng lương Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt vẫn đạt gần 500 triệu đồng trong kỳ, cho dù mức này đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ.
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp địa ốc phải dồn lực tái cấu trúc nợ sau đợt khủng hoảng trên thị trường trái phiếu. Bất động sản Phát Đạt vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động gần 672 tỷ đồng nhằm thanh toán toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành trong năm 2021 và 2022 (tổng cộng 7 lô). Trong 9 tháng đầu năm, PDR đã chi ra tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng để mua lại nhiều lô trái phiếu.
Năm 2022 khó khăn, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn ghi nhận thu nhập tiền tỷ đồng/tháng. Tổng giám đốc Vincom Retail, bà Trần Mai Hoa nhận gần 1 tỷ đồng/tháng. Bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) nhận khoảng 540 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2021, 7 thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhận gần 118 tỷ đồng thù lao, tính bình quân mỗi người 1,4 tỷ đồng/tháng.
Nhận lương 0 đồng
Ở chiều ngược lại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận mức lương 0 đồng. Một số ông chủ doanh nghiệp thậm chí không nhận thù lao điều hành ở ngay trong những năm tháng doanh nghiệp phát triển.
Nếu như trong năm 2021, mỗi thành viên HĐQT của Hòa Phát nhận thù lao 1,4 tỷ đồng/tháng, thì trong năm 2022, các thành viên HĐQT HPG, bao gồm Chủ tịch Trần Đình Long đã không nhận thù lao.
Năm 2022, quý IV/2022, HPG lỗ kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng, qua đó kéo lãi cả năm xuống còn hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 24% của năm trước đó. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế được ĐHCĐ giao.
Như đã đề cập ở trên, do lợi nhuận lao dốc, Chủ tịch Thế Giới Di Động (MWG) Nguyễn Đức Tài cũng nhận lương 0 đồng trong quý III/2023. Thành viên HĐQT Đoàn Văn Hiểu Em và Tổng Giám đốc Trần Huy Thanh Tùng đều không nhận lương trong quý này.
Sau khi nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Coteccons (CTD) hồi cuối năm 2020, ông Bolat Duisenov cũng cam kết nhận lương 1 USD cho đến khi tình hình công ty cải thiện. Từ thời điểm đó, doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn và cổ phiếu giảm mạnh.
Trong vài năm gần đây, mặc dù doanh nghiệp làm ăn khá tốt nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nhận lương như trường hợp ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup), ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Bản Biệt),...
Trong một thập kỷ qua, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Bản Việt liên tục nhận thù lao 0 đồng. Còn Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và HĐQT tập đoàn Masan không nhận thù lao kể từ năm 2013 cho dù đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Việc không nhận thù lao được xem là sự chia sẻ của ban điều hành, xoa dịu tình hình hoạt động bi đát, nhưng cũng là sự cam kết làm vì những mục đích lớn lao hơn, song đôi khi cũng bị đánh giá là cơ hội PR của doanh nghiệp.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có những khoản thu nhập rất lớn có thể vượt trội hơn hẳn so với những khoản lương thưởng thù lao bình thường. Đó là sự gia tăng quy mô, giá trị của doanh nghiệp với giá cổ phiếu tăng mạnh.
Tài sản của các lãnh đạo quy từ cổ phiếu tăng mạnh. Bên cạnh đó là những khoản thưởng bằng cổ phiếu hay được mua ưu đãi cổ phiếu ESOP. Với vị thế là cổ đông lớn, nhiều lãnh đạo vẫn nhận về hàng chục hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức mỗi năm.
Nhiều ông chủ “thù lao 0 đồng” đã trở thành tỷ phú USD như trường hợp ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Đăng Quang…
Trên thế giới, nhiều doanh nhân ghi nhận tài sản tăng mạnh chủ yếu nhờ giá cổ phiếu tăng qua kết quả hoạt động kinh doanh tốt như trường hợp Tim Cook (CEO Apple), Elon Musk (Tesla)…