Xu hướng hồi phục chưa bị vi phạm sau phiên giảm sâu
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần (13-17/11) tiếp tục biến động khó lường với phiên giảm sâu vào cuối tuần. Áp lực bán xuất hiện tại nhóm cổ phiếu trụ khiến thị trường chứng khoán đột ngột lao dốc trong phiên với cú giảm 24 điểm. Nỗ lực phục hồi trong cả tuần giao dịch nhanh chóng bị thổi bay khi VN-Index quay về mức 1.101 điểm.
Trong 2 phiên đầu tuần 13-14/11, thị trường ghi nhận tâm lý tích cực của nhà đầu tư, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngành thép khi giá thép cuộn cán nóng HRC hồi phục 50% từ vùng đáy hồi tháng 9 lên đỉnh 6 tháng.
Chứng khoán trong nước tiếp tục diễn biến tích cực sau khi Mỹ công bố chỉ số lạm phát tăng thấp hơn so với dự báo, chỉ ở mức 3,2% so với cùng kỳ. Thông tin này ngay lập tức tác động tích cực tới thị trường tài chính Mỹ và thế giới.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 4,5%/năm (so với mức trên 5% trước đó). Chứng khoán Mỹ tăng nhanh sau thông tin này. Giới đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và sớm quay đầu giảm lãi suất trong năm 2024.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng diễn biến tích cực. Nhiều người đặt cược vào kịch bản tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục hạ nhiệt sau những tín hiệu từ Mỹ. Đồng USD sẽ khó có thể tăng nóng như trong nhiều tháng trước đó.
Tuy nhiên, sự thận trọng đã quay trở lại sau khi Quốc hội cho biết chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này. Thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng và nhiều doanh nghiệp cần thời gian để tái cấu trúc nợ. Dòng tiền vẫn khá eo hẹp.
Thông tin 2 công ty luật lớn tại Mỹ công bố việc thu thập thông tin từ khách hàng liên quan đến hãng xe điện VinFast Auto (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail của tỷ phú Vượng giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên đại diện VinFast đã lên tiếng khẳng định họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống khi niêm yết tại Mỹ. Việc các công ty luật kêu gọi khách hàng cung cấp thông tin rất phổ biến tại Mỹ. VinFast vẫn hoạt động bình thường.
Nhóm các cổ phiếu trụ cột cũng giảm khá sâu sau thông tin về bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan hôm 17/11 bị đề nghị truy tố về ba tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Bên cạnh đó, bà Lan sẽ còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền. Cơ quan điều tra đã tách vụ án này ra để tiếp tục điều tra và xử lý sau. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 13,4 tỷ USD.
Tính chung trong tuần 13-17/11, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,1% về mức 1.101,2 điểm. Các chỉ số khác cũng đều giảm nhẹ.
Trong tuần, 3 cổ phiếu thuộc tập đoàn Vingroup ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số chung. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) giảm 7,9%; Vingroup (VIC) giảm 6,1%; Vincom Retail (VRE) giảm 4,8%. Ba cổ phiếu này lấy đi 7 điểm của VN-Index.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu trụ cột khác tăng giá và kìm lại đà giảm của thị trường. Cụ thể, cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) tăng 5,1% trong tuần; Masan (MSN) tăng 3,9%; Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR) tăng 2,3%; BIDV (BID) tăng 1,7%...
Thanh khoản tăng nhẹ 4,6% so với tuần trước lên mức trung bình đạt 21.243 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 1.346 tỷ đồng, tăng 11% so với tuần trước.
Kỳ vọng tỷ giá ổn định
Mặc dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần nhưng xu hướng hồi phục của các chỉ số chứng khoán được đánh giá là chưa bị vi phạm.
Theo VNDirect, vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ bớt áp lực.
Trên thực tế, kể từ hôm 16/11 tỷ giá trung tâm đã chính thức rời khỏi mốc 24.000 đồng/USD. Tỷ giá bán USD của Vietcombank cũng đã về mức 24.415 đồng/USD, thay vì mức 24.750 đồng/USD hồi đầu tháng.
Trên thị trường mở, trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn. Tính từ đầu tháng 11, NHNN đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng.
Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại. Lãi suất qua đêm đã giảm xuống quanh mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 0,2%/năm.
Do đó, lo ngại về nguy cơ “đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước” đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm.
Lãi suất trong nước giảm trong khi lãi suất đồng USD trên thị trường thế giới cao thường gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, ở thời điểm này, dòng tiền kiều hối, cùng với thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối khá cao… sẽ góp phần hỗ trợ tỷ giá ổn định.
Ngoài vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect cho rằng, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực.
Chuyên gia MBS cho rằng vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index là 1.079 điểm. Điểm sáng của chứng khoán tuần qua là dù thị trường gặp áp lực trong ngắn hạn, song mức tâm lý 1.100 điểm vẫn được giữ vững.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia VNDirect, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết âm lịch.
Một số nhóm được đánh giá có thể có kết quả tốt như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.