Tổ chức 500 cuộc giám sát năm 2022

Năm 2022, UB MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương đã chủ trì tổ chức 500 cuộc giám sát trực tiếp theo kế hoạch đề ra. 

Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 9 cuộc giám sát trực tiếp tại 9 đơn vị, cấp huyện, tổ chức 36 cuộc giám sát tại 108 đơn vị, cấp xã 455 cuộc. Các Ban TTND cấp xã chủ trì tổ chức giám sát 1.124 vụ việc; kiến nghị xử lý 1.095 vụ việc; được chính quyền và cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, giải quyết 1.095 vụ việc. 

Tổ chức giám sát 208 dự án đầu tư của cộng đồng, trong đó xác định 198 dự án đầu tư đúng quy định, 3 dự án có vi phạm, 14 dự án chưa xác định, đã kiến nghị, phản ánh 1 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và thông báo kết quả xử lý 3 vụ việc.

Ngoài ra, MTTQ các cấp còn tham gia giám sát với cơ quan Nhà nước 530 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh 12 cuộc, cấp huyện 18 cuộc, cấp xã 480 cuộc; giám sát thông qua văn bản đối với 141 văn bản. Trong đó, cấp tỉnh giám sát 9 văn bản, cấp huyện giám sát 38 văn bản, cấp xã giám sát 94 văn bản.

Giám sát vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương cho biết, với chức năng giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh đã Hải Dương đã triển khai mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân.

Ở cấp tỉnh, hoạt động giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; công tác Cải cách hành chính đối với người đứng đầu chính quyền và các sở, ngành; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với Chủ tịch UBND cấp huyện...

Ở cấp huyện, cấp xã, các nội dung giám sát cũng bám sát vào các vấn liên quan, tác động trực tiếp đến người dân như: công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp xã; việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn...

Lựa chọn “đúng và trúng” nội dung, hình thức giám sát

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, do lực lượng cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh còn hạn chế về số lượng nên các đoàn giám sát của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đều có sự tham gia rộng rãi của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận; của thành viên các hội đồng, ban tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tại các cơ quan Nhà nước... Tuy nhiên, thành viên đoàn giám sát được lựa chọn kỹ về chất lượng, có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực, nội dung cần giám sát.

Cụ thể, ông Tuấn cho biết: “Về nội dung giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng kế hoạch giám sát sau đó báo cáo cấp ủy cùng cấp, đảm bảo không trùng lặp, cụ thể, thiết thực. Quan trọng hơn, phải nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội, những thông tin, phản ánh của người dân để lựa chọn những vấn đề cần giám sát. 

Về hình thức giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh áp dụng các hình thức cụ thể như: tổ chức đoàn giám sát trực tiếp; thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; thông qua hoạt động của Ban TTND cấp xã; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện giám sát bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả, đúng quy trình, các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Sau giám sát, các đoàn đều có báo cáo kết quả giám sát và những kiến nghị đối với cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả thiết thực, mang tính xây dựng.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, bên cạnh những ưu điểm, công tác giám sát trong tỉnh còn một số mặt hạn chế như: một số địa phương, đơn vị cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị sau giám sát; nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế...

Nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát

Theo đại diện UB MTTQ tỉnh Hải Dương, năm 2023, để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, MTTQ các cấp tỉnh sẽ chủ trì phối hợp thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, nội dung giám sát gắn với chỉ tiêu số cuộc giám sát trong năm 2023, sau đó báo cáo cấp ủy, thông báo đến chính quyền cùng cấp để phối hợp thực hiện;

Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức giám sát chuyên đề về công tác cán bộ, đảng viên; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; đồng thời chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt chương trình giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát cùng với cơ quan Nhà nước tại địa phương. Hướng dẫn UB MTTQ các cấp giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, trọng tâm là giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đình Sơn