“Những quả mìn PFM-1 có màu xanh một lần nữa được phát hiện la liệt trên các con phố thuộc nhiều khu dân cư trong thành phố Donetsk. Tôi kêu gọi người dân hãy ở nhà và cẩn trọng, bởi loại mìn này rất khó phát hiện khi nó rơi trên bãi cỏ và những khu vực có cây xanh”, hãng tin RT dẫn bài đăng của Thị trưởng Donetsk Alexey Kulemzin viết trên mạng xã hội Telegram.
“Ít nhất hai dân thường bị thương bởi loại mìn trên trong ngày 31/7, trong đó một trường hợp bị mất chân. Trong những ngày qua, các nhóm rà phá bom mìn đã vô hiệu hóa hơn 600 quả PFM-1”, ông Kulemzin viết thêm.
Những hình ảnh và video được nhóm phóng viên chiến trường của đài RT ghi lại cho thấy, người dân ở nhiều khu vực thuộc thành phố Donetsk đã phải lấy hộp các-tông đặt gần chỗ phát hiện những quả mìn để cảnh báo nguy hiểm.
Giới chức Ukraine tới nay chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc lẫn những hình ảnh được phía Nga công bố.
PFM-1 là loại mìn sát thương người được chế tạo từ thời Liên Xô, và bị cấm theo Hiệp định chống mìn sát thương cá nhân Ottawa được ký vào năm 1997. Dù PFM-1 không đủ khả năng gây chết người, nhưng lượng thuốc nổ nặng 37g bên trong nó có thể tạo ra sát thương cho người vô tình giẫm phải.
Video: RT/ Telegram
Hội Chữ thập đỏ chưa thể tiếp cận nhà tù Olenivka
Thông cáo từ Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, họ vẫn chưa được phép tiếp cận nhà tù Olenivka gần thành phố Donetsk, nơi giam giữ hàng trăm binh sĩ Ukraine, phần lớn là các thành viên thuộc tiểu đoàn Azov đã hạ vũ khí ở thành phố Mariupol hồi tháng Năm.
“Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được xác nhận chính thức nào cho phép các điều tra viên tới thăm nhà tù bị pháo kích hay gặp gỡ những binh sĩ Ukraine bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Tới giờ, lời đề nghị về việc hỗ trợ vật chất của chúng tôi vẫn không được chấp nhận”, trang tin DW của Đức dẫn thông cáo của ICRC đưa ra đêm 31/7, viết.
Theo DW, Bộ Quốc phòng Nga trước đó cùng ngày tuyên bố rằng họ đã cho mời các chuyên gia Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ tới để điều tra về vụ pháo kích Olenivka xảy ra hôm 29/7. “Chúng tôi đang hành động vì lợi ích của việc cần tiến hành điều tra khách quan về vụ tấn công trại tù ở Yelenovka thuộc tỉnh Donetsk, dẫn đến cái chết của nhiều binh sĩ Ukraine đã hạ vũ khí”, thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Các hãng thông tấn Nga những ngày gần đây đã công bố hình ảnh nhiều mảnh đạn của Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 được tìm thấy ở hiện trường vụ pháo kích. Giới chức Moscow khẳng định đây là bằng chứng về việc Ukraine đứng sau vụ tấn công, bởi chỉ nước này sở hữu hệ thống vũ khí được Mỹ viện trợ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lại bác bỏ các cáo buộc trên và tuyên bố vụ việc này là do Nga thực hiện.