Anh tin 3.jpg
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ảnh: Bình Minh).

Bà Nga nêu một loạt dẫn chứng cho nhận định nêu trên.

Các công cụ thu thập dữ liệu thông qua hoạt động khảo sát trực tuyến sẽ tạo nguồn nội dung quan trọng để phát triển truyền thông chính sách. Chiến lược thu thập dữ liệu sẽ giúp các cơ quan truyền thông chính sách cải thiện chất lượng truyền thông, gia tăng trải nghiệm thú vị cho các đối tượng tiếp nhận thông tin.

Cùng với đó, các công cụ đo lường và phân tích (bao gồm cả công cụ đo lường của quốc tế sử dụng trong nội bộ các cơ quan truyền thông chính sách, các công cụ đặc biệt có thể tạo dashboard tới từng chuyên gia, phóng viên, biên tập viên, và hệ thống áp dụng chung để các cơ quan đánh giá độc lập có thể theo dõi và xếp hạng) cũng có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách. Qua các công cụ này, cơ quan truyền thông chính sách biết được những hình thức tiếp cận nào đang hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả, những công nghệ truyền thông nào thu hút được người dân, doanh nghiệp, cách thức họ tương tác với những thông tin nhất định. 

Trong số những công cụ đo lường hiệu quả, có thể kể tới Google Analytics, có khả năng đo lường lượng traffic theo tuần/tháng/quý/năm; thời điểm nào có lượng truy cập cao nhất, bao nhiêu khách hàng truy cập bằng thiết bị di động, laptop và máy tính để bàn, số người tham gia đọc các khảo sát, các nội dung truyền thông chính sách, thời gian đọc trong bao lâu…

Một trong những công cụ đo lường hiệu quả thông điệp truyền thông chính sách mà các cơ quan nên cân nhắc sử dụng là Chartbeat. Không chỉ đưa ra những dữ liệu quan trọng để đánh giá xem nội dung nào đang hiệu quả nhất, công cụ đo lường hiệu quả marketing này còn cung cấp những dữ liệu khác về người dùng theo thời gian thực: hành vi của người dân, doanh nghiệp, thời gian dùng trên trang…, giúp các nhà quản lý nội dung nhanh chóng phản ứng và tương tác kịp thời với người dùng.

Đặc biệt, gần đây, AI (trí tuệ nhân tạo) được đánh giá là “trợ thủ đắc lực” nâng cao chất lượng truyền thông chính sách thông qua các hoạt động như phát hiện thông tin, lấy ý kiến người dân, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt bình luận, phân tích tổng hợp dữ liệu khảo sát, sản xuất video, viết tin bài tự động, MC ảo, trường quay ảo…

“Các cơ quan hoạch định chính sách, ban hành chính sách và truyền thông chính sách cần thay đổi đường đi của quy trình quản trị chính sách, nếu muốn các thông điệp truyền thông chạm được vào người dân doanh nghiệp và bắt kịp đời sống thực tiễn. Cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, và các doanh nghiệp công nghệ số nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông; hợp tác công – tư trong xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu; xây dựng tác phẩm truyền thông chính sách. Đặc biệt, cần có chính sách rõ ràng về việc liên kết dữ liệu truyền thông, và cơ chế phối hợp công tư để khai thác tốt nhất các dữ liệu truyền thông chính sách đặc thù”, bà Nga khuyến nghị một số việc cần làm trong thời gian tới.

Bình Minh