Trường Tiểu học và THCS Hóa Trung đã được đầu tư phòng máy vi tính hiện đại. |
Một trong những trường học đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động dạy và học là Trường Mầm non Khe Mo. Nhà trường hiện có 35 cán bộ, giáo viên; 15 lớp và hơn 330 học sinh ở các nhóm trẻ. Đến nay, nhà trường đã trang bị đường truyền Internet đến các lớp học; 100% cán bộ, giáo viên soạn bài giảng trên máy vi tính. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin, văn bản của nhà trường được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Cô giáo Đào Thị Hồng Thơ, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các giờ học giúp giáo viên chuyển tải đến học sinh nhiều kiến thức hay, sinh động, tạo hứng thú học tập cho các em.
Ngoài Trường Mầm non Khe Mo, nhiều trường học trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng tích cực ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, dạy và học.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, thông tin: Hiện nay, ở khối mầm non, cán bộ, giáo viên đã tổ chức các hoạt động dạy học cho trẻ kết hợp trình chiếu hình ảnh, video clip hoặc những tình huống học tập.
Các trường tiểu học được đầu tư phòng học khang trang, thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn, có kết nối mạng Internet. Các trường THCS, THPT đều có phòng Tin học với đủ số lượng máy vi tính theo quy định, có kết nối Internet phục vụ việc dạy và học…
Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học trên địa bàn đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn; khai thác và sử dụng học liệu, xây dựng bài giảng điện tử.
100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành Giáo dục huyện đã được định danh thành công, có tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến các cấp, cài đặt các ứng dụng điện tử như: Sổ tay đảng viên, C-TháiNguyên...
Cùng với đó, 98% học sinh xác thực thành công mã định danh. Đặc biệt, 100% trường học ứng dụng thanh toán học phí không dùng tiền mặt…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục huyện Đồng Hỷ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT.
Đồng thời tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến...
Song song với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên; kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh; xây dựng hệ thống học liệu dùng chung của các cấp học; thực hiện thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục; xây dựng hệ thống quản lý chung về số hóa hồ sơ điện tử của ngành và tổ chức tập huấn, chuyên đề, tổng kết về chuyển đổi số...
Cùng với đó là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”…
Theo Ngọc Thảo (Báo Thái Nguyên)