Đà Nẵng là địa phương có dữ liệu về bức xạ mặt trời và số giờ nắng trung bình trong năm tương đối lớn. Đây là tiềm năng để thành phố phát triển năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu áp lực đối với hệ thống điện lưới quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng đã triển khai nhiệm vụ “Áp dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng” với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại các trung tâm văn hóa - thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng tại một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các xã trên địa bàn huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, thành phố đã tiến hành lắp đặt tổng cộng 10 trụ đèn năng lượng mặt trời công suất 100W tại các khu vực công cộng trên địa bàn, bao gồm: 4 trụ đèn tại Trung tâm văn hóa - thể thao xã Hòa Liên, 3 trụ đèn tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu và 3 trụ đèn tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước.

Ảnh màn hình 2024 07 28 lúc 16.16.02.png
Hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của người dân.

Việc lắp đặt được đơn vị tính toán và lựa chọn thiết bị phù hợp với đặc điểm thực tế của các địa điểm trên địa bàn huyện. Đây là hệ thống hoạt động tự động qua việc tắt/mở bằng cách sử dụng nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời hoặc có thể hoạt động theo cài đặt của người dùng.

Đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời được cấu thành từ nhiều các bộ khác nhau, bao gồm: pin mặt trời (tấm thu năng lượng mặt trời) có nhiệm vụ thu nhận quang năng từ mặt trời rồi biến đổi chúng thành dạng điện năng giúp đèn hoạt động; pin lưu trữ (ắc quy) giúp lưu trữ năng lượng được tạo ra từ tấm pin năng lượng mặt trời vào ban ngày để sử dụng vào ban đêm hoặc những ngày mây mù; bóng LED; bộ điều khiển sạc, bộ cảm biến quang, đèn tách rời, đèn liền thể.

Sau khi triển khai lắp đặt hoàn thiện, vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động, hệ thống đã mang lại nhiều lợi ích vô cùng thiết thực phục vụ cho người dân địa phương. Trước đây, các địa điểm triển khai không có đèn chiếu sáng hoặc đèn chiếu sáng không đủ nên ban đêm rất tối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sau khi triển khai, các khu vực này đã sáng hơn rất nhiều. Đặc biệt, hệ thống mới lắp đặt sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng và an toàn, người dân không phải tốn thêm bất kỳ chi phí điện nào để thắp sáng vào ban đêm.

Ông Lê Viết Tân, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Hòa Phước chia sẻ, hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời lắp đặt tại Khu văn hóa thể thao thôn Giáng Nam 1 rất sáng, phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của người dân trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn xã có 11 thôn có nhà văn hóa chưa được chiếu sáng vào ban đêm nên mong muốn được hỗ trợ lắp đặt nhân rộng thêm tại các nhà văn hóa thôn còn lại. 

Bà Nguyễn Thị Tánh, Trưởng thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu cho hay, bà con nhân dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi khi thôn được lắp đặt hệ thống đèn phục vụ tốt cho sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn vào ban đêm. Hệ thống đèn lắp đặt tại các điểm sử dụng năng lượng mặt trời nên rất tiết kiệm điện với hệ thống đèn bố trí hợp lý, phục vụ được nhu cầu của người dân.

So với hệ thống đèn cao áp, hệ thống đèn bằng năng lượng mặt trời có chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Tuy nhiên, đèn bằng năng lượng mặt trời có chi phí vận hành rất thấp, tuổi thọ trung bình của hệ thống trên 10 năm. Như vậy, trong 10 năm sử dụng, chi phí của hệ thống đèn năng lượng mặt trời thấp hơn nhiều so với hệ thống đèn cao áp.

Ngoài ra, hệ thống đèn bằng năng lượng mặt trời còn mang đến sự tiện nghi, tăng mỹ quan đô thị và giảm lượng phát thải CO2, góp phần bảo vệ môi trường. Huyện Hòa Vang còn nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi giải trí công cộng chưa được chiếu sáng vào ban đêm, do đó, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian sắp tới.