Thực tế hiện nay các doanh nghiệp thường khó tránh khỏi những rủi ro như nhận về hóa đơn giả, hóa đơn bị sai thông tin, hóa đơn không có giá trị thanh toán… dẫn đến hạch toán kinh doanh không chính xác. Hậu quả, doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt, tổn thất kinh tế, thậm chí vướng vào những rắc rối về pháp luật. 

Từ những vướng mắc thực tế của doanh nghiệp trong quá trình xử lý hóa đơn, Bkav đã xây dựng hệ thống phần mềm eQLHD ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Phần mềm tự động đồng bộ và cập nhật dữ liệu từ Tổng cục Thuế, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện sai sót, kịp thời cảnh báo cho kế toán viên khi có các rủi ro về hoá đơn.

Phần mềm quản lý hóa đơn eQLHD góp phần hoàn thiện nhóm giải pháp của Bkav để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Sử dụng phần mềm quản lý hóa đơn eQLHD, doanh nghiệp có thể tra cứu nhiều mã số thuế, người nộp thuế cùng một lúc, đồng thời có thể thêm mới nhiều người sử dụng. Phần mềm cũng hỗ trợ cấu hình phân quyền theo nhu cầu của người dùng.   

Ông Vũ Đức Phúc, Giám đốc phát triển phần mềm Quản lý hoá đơn Bkav eQLHD cho biết, với việc ra mắt eQLHD, hiện doanh nghiệp công nghệ này đã có đầy đủ hệ sinh thái các sản phẩm doanh nghiệp, từ chữ ký số Bkav CA, thuế điện tử TVAN, bảo hiểm xã hội điện tử IVAN cho đến hóa đơn điện tử eHoadon, hợp đồng điện tử eContract...

Trí tuệ nhân tạo đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, từng bước đảm nhiệm các nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ cho người trong nhiều lĩnh vực. Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu đưa công nghệ mới này trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển AI ứng dụng, tháng 1/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2030 AI ứng dụng được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy AI và kỹ năng trong việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề.

Trần Thị Ngọc Minh, Ngô Thế Vinh, Hoàng Tư Giang