Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, việc những người dùng có trả phí luôn được ưu đãi và trang bị nhiều tính năng hơn so với người dùng miễn phí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với những dịch vụ trực tuyến, thì cho dù là người dùng có trả phí hay miễn phí, quyền riêng tư của người dùng luôn phải đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, Zoom mới đây đã có một tuyên bố gây tranh cãi khi xem nhẹ quyền riêng tư của những người dùng miễn phí và chỉ ưu tiên cho người dùng có trả phí.

{keywords}
Zoom gây tranh cãi vì ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư của người dùng có trả phí và bỏ qua người dùng miễn phí

Theo đó, Zoom xác nhận rằng ứng dụng này sẽ không kích hoạt chức năng mã hóa cuộc gọi cho những người dùng miễn phí của Zoom, mà lý do là để cho phép các lực lượng thực thi pháp luật như cục điều tra liên bang (FBI) hay cảnh sát có thể truy cập vào những cuộc gọi này nếu cần.

Điều đáng nói là với những người dùng có thu phí, Zoom vẫn sẽ trang bị tính năng mã hóa cuộc gọi để giúp tăng cường bảo mật và không cho phép người ngoài, ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật, truy cập vào các cuộc gọi này.

“Chúng tôi nghĩ rằng tính năng này (mã hóa cuộc gọi) nên là một phần của dịch vụ”, Eric Yuan, CEO của Zoom cho biết trong một cuộc họp với các nhà đầu tư. “Người dùng miễn phí, rõ ràng chúng tôi không muốn trao cho họ tính năng này bởi vì chúng tôi muốn làm việc với FBI, với cơ quan thực thi pháp luật địa phương, trong trường hợp người dùng sử dụng Zoom cho mục đích xấu”.

Tuy nhiên, lời giải thích của Eri Yuan đã gây ra nhiều tranh cãi, khi nhiều người cho rằng phải chăng chỉ có người dùng miễn phí của Zoom mới có các hành vi xấu cần lực lượng thực thi pháp luật can thiệp, còn những người dùng có trả phí thì không? Sẽ thế nào nếu những người dùng có trả phí của Zoom cũng lợi dụng công cụ này cho những mục đích xấu của mình, nhưng cơ quan chức năng không thể can thiệp được do cuộc gọi đã được mã hóa?

Không ít người đã lên tiếng chỉ trích Zoom khi cho rằng dịch vụ này đã quá xem thường sự riêng tư của người dùng miễn phí. Dĩ nhiên, việc người dùng có trả phí được trang bị thêm nhiều tính năng hơn là điều dễ hiểu, nhưng những vấn đề liên quan đến sự riêng của người dùng, một ứng dụng như Zoom không nên lợi dụng để kiếm lời.

Mã hóa cuộc gọi là một vấn đề quan trọng đối với Zoom, sau khi công cụ này đã để lộ ra những điểm yếu như cuộc họp trực tuyến dễ dàng bị người lạ xâm nhập và quậy phá. Việc mã hóa cuộc gọi trên Zoom có thể giúp bảo vệ người dùng tốt hơn, đặc biệt với những người sử dụng Zoom cho mục đích giáo dục và học trực tuyến.

Trước những lời chỉ trích nhằm vào mình, Zoom đã đưa ra một thông cáo để trấn an người dùng.

“Zoom không chủ động giám sát nội dung cuộc gọi và chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin với cơ quan thực thi pháp luật, trừ các trường hợp như lạm dụng tình dục trẻ em. Chúng tôi không có cửa hậu để cho phép một người có thể bí mật tham gia vào cuộc họp mà những người khác không hay biết”, Zoom cho biết trong thông cáo đưa ra.

Nhiều người cho rằng mục đích cao nhất của Zoom đó là buộc người dùng phải trả phí để sử dụng tính năng mã hóa cuộc gọi, hơn là nhằm mục đích hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để điều tra và ngăn chặn các hành vi phạm pháp được chia sẻ qua Zoom.

Theo Dantri/RT/Authority

Vì sao Zoom vẫn thu hút đông đảo người dùng dù kém bảo mật?

Vì sao Zoom vẫn thu hút đông đảo người dùng dù kém bảo mật?

Zoom đã trở thành xu hướng mới của mạng xã hội khi đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 1/3 dân số toàn cầu phải ở nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng đã báo cáo lỗi bảo mật trên nền tảng này. Vì sao Zoom vẫn thu hút người dùng?