Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng

Những bệnh tật thông thường mà mỗi chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày chỉ là vấn đề cá nhân. Bởi lẽ, nếu không được điều trị thì hậu quả cũng chỉ xảy ra với cá nhân mà thôi. Đại dịch Covid-19 hiện là vấn đề sức khỏe mang tính tập thể. Nếu nhiễm bệnh mà không được điều trị kịp thời, cá nhân có thể trở thành nguồn phát tán dịch bệnh, đe dọa sự an toàn sức khỏe của cả cộng đồng.  

{keywords}
Tiêm vắc xin tại Bình Dương. Ảnh: Đàm An

Cũng vì tính chất đe dọa lợi ích của cả cộng đồng nên chính quyền luôn phải đảm nhiệm vai trò trụ cột trong việc ứng phó, kể cả tại nước Mỹ, nơi hệ thống y tế đã được tư nhân hóa cao độ.

Đầu năm 2020, cơn bão Covid-19 tràn đến đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế Mỹ, vốn phân tán và hoạt động theo cơ chế thị trường. Chi phí đắt đỏ khiến nhiều người dân không thể đi xét nghiệm và điều trị, điều này được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của dịch bệnh tại Mỹ.

Để khắc phục hệ quả do tình trạng bất bình đẳng xã hội và bất cập của hệ thống y tế, cuối tháng 3/2020, chính phủ Mỹ thông qua gói hỗ trợ 100 tỷ USD để giúp các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế cộng đồng nâng cao năng lực khám và điều trị, còn người dân được khuyến khích đi xét nghiệm.

Mọi bệnh nhân Covid-19 đều được đối xử như nhau, và hưởng lợi nhiều nhất chính là những bệnh nhân nghèo, thậm chí không có bảo hiểm y tế. 

Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta, chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về bảo vệ sức khỏe toàn dân trước đại dịch được thể hiện qua nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15quyết định 219/QĐ-BYTquyết định 447/QĐ-TTg 2020. Theo đó, bệnh viêm đường hô hấp cấp (hay còn gọi là bệnh Covid-19) được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Những chi phí liên quan đến bệnh này đều do ngân sách nhà nước bảo đảm theo các mục chi thực tế. Khác với nước Mỹ, Việt Nam dựa vào hệ thống y tế công lập sẵn có để phòng chống đại dịch. Nhờ đó, chính quyền có thể chủ động, tiết kiệm chi phí, và bảo đảm bình đẳng xã hội trong một nỗ lực tập thể nhằm kiểm soát dịch bệnh. 

Điều trị theo cơ chế thị trường

Khi bệnh dịch lan rộng và số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nguy cơ quá tải của hệ thống y tế công lập thúc đẩy ý tưởng về việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu.

Nếu được áp dụng, dịch vụ điều trị Covid-19 sẽ phát huy một số thế mạnh của cơ chế thị trường, chẳng hạn như gia tăng nguồn cung năng lực điều trị, cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút những bệnh nhân có khả năng chi trả, qua đó giảm tải cho các đơn vị y tế công.

Những ưu điểm chủ yếu nêu trên sẽ phát huy được nguồn lực của y tế tư nhân, góp phần gia tăng tổng phúc lợi xã hội, cụ thể hơn là tăng số lượng bệnh nhân được phục vụ kịp thời, với chất lượng điều trị tốt hơn, qua đó góp phần giảm số bệnh nhân có thể bị tử vong. 

Tuy nhiên, việc cho phép dịch vụ điều trị Covid-19 theo yêu cầu cũng dẫn đến những hệ quả nhất định. Đó là, cơ chế dịch vụ sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân dựa trên khả năng chi trả. Rào cản tài chính sẽ làm lộ rõ hơn tình trạng bất bình đẳng không chỉ giữa các bệnh nhân.

Trong khi các cơ sở y tế tư nhân kiếm được lợi nhuận từ hoạn nạn cộng đồng thì hệ thống y tế công lập vẫn phải ứng phó với mối đe dọa chung theo những quy định về chế độ kinh phí của nhà nước, vốn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến nguy cơ cạnh tranh mua sắm trang thiết bị và vật phẩm y tế, hay những ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ y bác sỹ công lập và những tình nguyện viên đang tham gia phòng chống dịch bệnh.

Chấp nhận dịch vụ điều trị Covid-19 thực chất là tạo cơ sở cho việc lựa chọn bệnh nhân, thậm chí là sự cạnh tranh giữa y tế công - tư trong bối cảnh bất thường hiện nay. Một thực tế như vậy hẳn sẽ gây ra những tranh luận về tính công bằng trong hoạch định chính sách, trách nhiệm cộng đồng cũng như đạo đức xã hội của y tế tư nhân khi cả nước đang phải ứng phó với đại dịch. 

Kiên định nguyên tắc lợi ích tập thể

Trước mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, việc kiểm soát Covid-19 cần sự hợp tác, chứ không phải cạnh tranh, giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Nói cách khác, tình huống dịch bệnh nan giải hiện nay đòi hỏi sự đồng tâm, nhất trí của mọi chủ thể, bất kể khu vực công hay khu vực tư nhân; lợi ích của tập thể phải đặt lên trên lợi ích của cá nhân hay tổ chức.  

Do đó, việc “chọn lọc” khách hàng để phục vụ theo khả năng thanh toán có thể là giải pháp hiệu quả với nhóm nhỏ bệnh nhân nhưng không hẳn đã phù hợp về trách nhiệm cộng đồng và đạo đức xã hội. 

Bối cảnh dịch bệnh cho thấy việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, các chính sách phải hướng đến những mục tiêu cao hơn, đó là gia tăng sự gắn kết cộng đồng, thúc đẩy tinh thần hợp tác công - tư, củng cố lòng tin của người dân vào các thể chế công cũng như các giá trị mang tính tập thể, như công bằng xã hội, nhân văn, và đoàn kết xã hội. Cũng có nghĩa, mọi chủ thể đều phải có trách nhiệm chung tay ứng phó.

Khi dịch bệnh chưa bị đẩy lui thì lợi ích của mọi chủ thể, trong đó có y tế tư nhân, còn bị đe dọa. Bởi thế, cho phép dịch vụ điều trị có thể đem đến một số lợi ích cho nhóm nhỏ bệnh nhân khá giả nhưng lại dễ gây ra hệ lụy cho nỗ lực tập thể trong dài hạn! Sự bất bình đẳng (bất công) không chỉ xảy ra với bệnh nhân mà với tất cả đội ngũ y bác sỹ công lập, tình nguyện viên đang lăn xả chống dịch. Chính vì thế, sự tham gia của các chủ thể y tế tư nhân, nếu có, thì cũng không nên theo cơ chế thị trường tự do. 

Phòng chống đại dịch là trách nhiệm chính trị của nhà nước, được cụ thể hóa thành pháp luật. Hơn lúc nào hết, chính bệnh viện tư nhân cũng phải nêu cao trách nhiệm cộng đồng tại thời điểm này. Đây là lý do để họ phải tính toán lại chi phí để tiệm cận với mức chi chung, nhờ đó có thể nhận mọi bệnh nhân, chứ không chỉ chọn lọc bệnh nhân khá giả.

Những bất cập hiện tại đòi hỏi cả hai bên (nhà nước và y tế tư nhân) đều phải điều chỉnh. Với thẩm quyền mới được cho phép bởi Quốc hội, Chính phủ có thể hướng dẫn các địa phương ký hợp đồng điều trị với bệnh viện tư nhân. Điều kiện hiện tại chưa phù hợp để áp dụng cơ chế thị trường trong điều trị Covid-19. 

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Y tế tư điều trị bệnh nhân Covid: Cần ủng hộ chủ trương của TP.HCM

Y tế tư điều trị bệnh nhân Covid: Cần ủng hộ chủ trương của TP.HCM

UBND TP.HCM gửi công văn cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận cho y tế tư nhân thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và thu giá dịch vụ tương ứng.