Trước những khó khăn của người lao động trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó có các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nên các gói hỗ trợ đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

{keywords}
Doanh nghiệp đang gặp khó với các đơn hàng cuối năm do thiếu lao động

Tại Diễn đàn, có ý kiến cho rằng cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ. Thực tế chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm

Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ. Bởi thực tế vừa qua, nhiều lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông, kỹ năng chưa đáp ứng được sản xuất đã bị đào thảo, do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Chính sách này, sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp…đào tạo họ để họ quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất. Chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mới dịch chuyển vào Việt Nam, rồi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới

Ưu tiên khôi phục thị trường lao động

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận cần phân bổ nguồn lực hợp lý vào lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy của thị trường lao động.

Trước băn khoăn nên hỗ trợ trực tiếp qua địa phương hay qua doanh nghiệp, theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta nên làm trực tiếp, huy động được bao nhiêu lao động thì căn cứ vào đó trả tiền và sẽ trả cho người lao động là tốt nhất.

Bên cạnh đó, nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, thông qua đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tăng nhanh quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo, trong hợp tác công tư, chuyển đổi số để tổ chức đào tạo…

Ngoài ra, chuyển đổi thị trường lao động đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ, đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm dịch vụ, việc làm công, việc làm có trợ cấp, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Xây dựng cơ chế và quy trình đối thoại phản ánh tiếng nói của các đối tượng bị ảnh hưởng nhất; hỗ trợ người sử dụng lao động những vị trí đầu vào để sớm ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ trong chuyển đổi số; hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, kiến tạo môi trường vĩ mô, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ…

Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ tiền xây nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.

Ngọc Linh

Nỗ lực kết nối để tìm việc làm cho người lao động

Nỗ lực kết nối để tìm việc làm cho người lao động

Hàng loạt lao động trở về từ các khu công nghiệp khiến các trung tâm giới thiệu việc làm địa phương tại Gia Lai quá tải. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông cần việc làm luôn và không muốn học nghề.