Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Thanh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất đông người lao động đã trở về từ các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai... gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp tại địa phương và hoạt động giới thiệu việc làm.

Đặc biệt, thời điểm hiện tại sắp đến Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán, số lượng người lao động trở về ngày càng nhiều. Ông Truyền cho biết theo thống kê, đã có tới 40 ngàn người đã trở về từ các khu công nghiệp.

Mặc dù chính quyền cũng rất sát sao trong khâu quản lý, Trung tâm nỗ lực hỗ trợ tạo công ăn việc làm nhưng lãnh đạo đơn vị này cho hay, phần lớn các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, số lượng người lao động trở về làm việc tại địa phương quá lớn, dẫn đến 'cầu' vượt quá 'cung'.

{keywords}
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tư vấn bảo hiểm thất nghiệp và việc làm cho người lao động.

Người lao động không muốn học nghề

Theo ông Truyền, trong thời gian qua, chính quyền địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai rất nỗ lực xây dựng các chương trình đào tạo nghề gắn kết người lao động và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, mặc dù Nhà nước tích cực hỗ trợ trong công tác học phí, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân học nghề, nhưng phần lớn người lao động vẫn “ngó lơ”. Cho đến nay, các cơ sở đào tạo nghề chỉ thu hút được một số ít bạn trẻ. Còn những lao động đã có tuổi thường có nhu cầu tìm việc ngay.

“90% người lao động là lao động phổ thông, làm việc trong các ngành như may mặc, giày dép, quần áo, lắp ráp điện tử…. Tuy nhiên, rất ít trong số họ có nhu cầu đi học nghề" - ông Truyền nói.

Lý giải về điều này, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Gia Lai cho biết phần lớn người lao động đã từng có kinh nghiệm làm việc tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Do đó khi trở về, họ muốn có được nghề nghiệp ổn định để có thể trang trải cuộc sống và nuôi gia đình. 

“Công tác đào tạo lại người lao động là rất khó. Họ ngại đi học và họ cần thu nhập trước mắt” - Ông chia sẻ thêm.

Một lý do nữa khiến người lao động không mặn mà với các khóa đào tạo nghề xuất phát từ suy nghĩ  thay vì bỏ thời gian ra cho việc học thì họ sẽ dành cho việc đi làm, sẽ thực tế và “thật” hơn.

{keywords}
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Nguồn: GiaLaionline)

Hiện nay, theo quy định, để được hỗ trợ học nghề, người lao động thất nghiệp phải có đủ 4 điều kiện: chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ; đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu người lao động có nhu cầu học những nghề đòi hỏi thời gian đào tạo hơn 6 tháng và mức học phí cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì phải tự thanh toán các khoản chi phí chênh lệch.

Thực tế, số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề còn ít. Nguyên nhân là do thời gian học nghề phụ thuộc vào thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và các cơ sở đào tạo sẽ không mở lớp cho đến khi đủ sĩ số. Nếu như chờ đợi sẽ ảnh hưởng đến thời gian hưởng trợ cấp và người lao động sẽ không được hỗ trợ. Đây cũng là lý do lao động thất nghiệp thường đăng ký học nghề lái xe vì thời gian đào tạo ngắn và chủ động về kinh phí.

Liên kết việc làm tại nhiều tỉnh

Trước những khó khăn trong hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động, cũng như vướng mắc trong đào tạo, ông Truyền cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Gia Lai đang nỗ lực kết nối với các Trung tâm giới thiệu việc làm của Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM… để nâng cao hiệu quả.

Theo ông Truyền, việc kết nối giúp tăng khả năng tìm được việc làm khi phần lớn người lao động sẽ quay trở lại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn đều tập trung tại đó. Khi đó, tình trạng “cầu" vượt "cung" tại địa phương giảm xuống và người lao động có cơ hội tiếp cận với các công ty lớn, có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Ông Truyền nói rằng không chỉ dừng lại tại đây, Trung tâm đang nỗ lực kết nối với các nguồn lực bên ngoài để có thể mở rộng thị trường giới thiệu được nhiều việc làm tốt hơn cho người lao động.

“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp nâng cao chất lượng tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, học nghề, tạo việc làm giữa Trung tâm và các địa phương.” Ông Truyền chia sẻ thêm.

Doãn Hùng

Người mất việc làm được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Người mất việc làm được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ dùng 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thất nghiệp do Covid-19 từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.