Vai trò của vận tải hàng hoá

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành thực hiện chỉ thị 16 dẫn tới giao thương, vận tải hàng hoá bị ảnh hưởng. Chính vì thế, hoạt động sản xuất kinh doanh và chống dịch đã bị tác động không nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù dắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài. 

Bên cạnh đó, các ngành chế biến nông sản, thực phẩm chế biến các thực phẩm thiết yếu khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tính chất mùa vụ cũng như hạn sử dụng ngắn hạn, kéo theo sự khó khăn nghiêm trọng của các doanh nghiệp và nông dân ngành chăn nuôi và nông nghiệp.

{keywords}
Thúc đẩy giao hàng để phát triển kinh tế và chống dịch (Ảnh:Bảo Anh)

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng hơn 11,3 triệu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành, nghề liên quan.

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải, đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, cửa khẩu… đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, từ đó có vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu và phát triển kinh tế.

Thúc đẩy giao thương

Theo Bộ Công Thương, do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa được ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vắc xin. Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Trong công văn số 4580 gửi các địa phương, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian trước mắt phải là đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu… Hiện nay, chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định hàng hóa là nguồn lây nhiễm Covid-19, do đó, nếu giải quyết được việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng nêu trên tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì việc lưu chuyển hàng hóa sẽ được bảo đảm thông suốt.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics – đặc biệt là lái xe, phụ xe, vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… là đối tượng ưu tiên (nếu các địa phương chưa đưa các đối tượng này là đối tượng ưu tiên) tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất. Chỉ đạo cơ quan y tế địa phương, quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng nêu trên.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng vừa có kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao hơn, việc vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng duy trì cuộc sống sinh hoạt của người dân.Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

Hiệp hội TMĐT cũng đề nghị tạo thuận lợi đối với đội ngũ shipper (giao hàng). Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hoá lại không thể tách rời đội ngũ giao hàng.VECOM cũng kiến nghị đưa đối tượng này vào diện ưu tiên cao khi triển khai tiêm vắc-xin.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động của mình, giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ tốt hơn người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy