“Tàu khu trục USS Milius đang thực hiện các hoạt động thường lệ ở Biển Đông. Washington sẽ tiếp tục các hoạt động trên biển, trên không ở những khu vực được luật pháp quốc tế cho phép”, kênh Channel News Asia dẫn thông cáo từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), viết.

Tàu USS Milius. Ảnh: Seaforce.org 

Theo trang Navy Recognition, USS Milius thuộc lớp khu trục hạm Arleigh Burke được Mỹ chế tạo và đưa vào biên chế từ năm 1996. Tàu có chiều dài 154m; sườn ngang 18m; mớn nước 9,4m; trọng tải tối đa gần 9.000 tấn. USS Milius cần tới bốn động cơ tuabin khí General Electric LM2500-30. Vận tốc tàu có thể đạt 56 km/h với tầm hoạt động lên tới 8.100km. 

Do tác chiến trên biển, nên USS Milius có nhiều trang thiết bị điện tử có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc dưới mặt biển. Chẳng hạn, loại radar AN/SPY-1D trang bị trên tàu có thể theo dõi được mục tiêu đối phương ở khoảng cách 324km, hoặc hệ thống cảm biến sóng âm AN/SQS-53C của USS Milius có thể phát hiện mục tiêu dưới mặt nước như tàu ngầm hoặc ngư lôi đối phương ở khoảng cách 64km. 

Vị trí radar AN/SPY-1D (khoanh đỏ) lắp trên USS Milius. Ảnh: Seaforce.org

Hệ thống vũ khí phòng thủ được lắp đặt trên USS Milius khá đa dạng, với nhiều loại vũ khí như hệ thống Phalanx CIWS, bao gồm hai hệ thống pháo sáu nòng M61A1 Vulcan cùng radar điều khiển hỏa lực, một hải pháo 127mm Mark 45, hai pháo M242 Bushmaster cỡ nòng 25mm cùng bốn súng máy hạng nặng M2 12,7mm. 

Hải pháo 127mm Mark 45 lắp trên tàu USS Milius khai hỏa. Ảnh: Seaforce.org

Dù vậy, vũ khí nguy hiểm nhất của USS Milius lại là hệ thống phóng tên lửa Mark 41 được trang bị 90 tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk có tầm bắn từ 1.700-2.500km. Ngoài ra, phía sau tàu còn được lắp đặt một sân đáp cho trực thăng chống ngầm đa nhiệm MH-60R.