“Đây là cơ hội tuyệt vời để New Zealand và Việt Nam duy trì mối quan hệ song phương vững chắc”, thông cáo của Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam dẫn lời Tư lệnh Liên quân Lực lượng Quốc phòng New Zealand, Chuẩn Đô đốc James Gilmour nói trong buổi lễ đón hai tàu HMNZS Te Mana và HMNZS Aotearoa tổ chức tại cảng Nhà Rồng (TP.HCM).

Chuẩn Đô đốc New Zealand Gilmour gặp gỡ các sĩ quan Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam

Ông Gilmour cho hay, thủy thủ đoàn hai tàu HMNZS Te Mana và HMNZS Aotearoa trong khuôn khổ chuyến thăm lần này sẽ “tới thăm nhiều danh thắng ở TP.HCM, gặp gỡ những người dân thân thiện và thưởng thức những món ăn tuyệt vời”.

Theo thông tin từ trang Mil.nz, HMNZS Te Mana là tàu hộ vệ thuộc lớp Anzac được nhà thầu quân sự Tenix Defence có trụ sở tại Australia đóng trong nửa cuối thập niên 1990, chính thức đưa vào hoạt động trong Hải quân New Zealand từ năm 1999. Tàu có chiều dài 118m; sườn ngang 15m; mớn nước 4m. Trọng tải tối đa đạt 3.600 tấn.

Tàu hộ vệ HMNZS Te Mana. Ảnh: Commonwealth of Australia

HMNZS Te Mana cần một động cơ tua bin khí General Electric LM2500 và hai động cơ diesel MTU 12V1163 TB83 để hoạt động. Vận tốc tàu có thể đạt 50 km/h, với tầm hoạt động tối đa lên tới 11.000km.

Do tác chiến trên biển, nên HMNZS Te Mana được lắp nhiều trang thiết bị điện tử có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc dưới mặt biển. Chẳng hạn, loại radar SMART-S Mk2 được lắp trên tàu có thể phát hiện và theo dõi hướng di chuyển của tên lửa sử dụng công nghệ tàng hình hoặc máy bay chiến đấu lần lượt ở các khoảng cách 50km và 200km.

Cận cảnh hải pháo Mk 45 và tháp chỉ huy của tàu HMNZS Te Mana. Ảnh: Seaforces.org

Loạt khí tài được lắp đặt trên HMNZS Te Mana khá đa dạng, với nhiều loại vũ khí như hải pháo Mk 45 127mm; hệ thống Phalanx CIWS bao gồm pháo sáu nòng M61A1 Vulcan cùng các radar điều khiển hỏa lực; 8 ống phóng thẳng đứng dùng để phóng tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow… Đuôi tàu được lắp đặt sân đáp cho một trực thăng chống ngầm SH-2G Super Seasprite.

Ống phóng thẳng đứng dùng để phóng tên lửa RIM-7 của tàu HMNZS Te Mana. Ảnh: Wikipedia