Lời tòa soạn:

Những vụ ẩu đả liên tiếp sau va chạm giao thông ở Hà Nội dẫn tới án mạng, thương tích là điều rất đáng suy ngẫm về văn hóa ứng xử. Thậm chí, chỉ từ những va chạm nhỏ, nhưng hơn thua nhau câu nói, yêng hùng trong chốc lát mà hành xử côn đồ, manh động để lúc bị còng tay ở đồn cảnh sát mới thấm thía.

Nhiều người vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau thông tin từ vụ va chạm giao thông trên đường Hà Nội, hai bên đã ẩu đả khiến tài xế taxi tử vong do chấn thương sọ não, còn thanh niên điều khiển xe máy thì bị bắt, đối diện với án tù. 

Vụ việc đau lòng nêu trên xảy ra khoảng 16h ngày 4/3 ở cuối phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến ngày 5/3 thì tài xế taxi L.X.T. tử vong. Nhưng điều đáng nói, có lẽ đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra án mạng từ va chạm giao thông trên đường phố và cũng chưa hẳn là vụ việc cuối cùng.

screenshot 2024 03 05 151747 png 1709632350684.jpg
Tài xế taxi L.X.T. bị chấn thương sọ não phải cấp cứu, sau đó đã tử vong.

Va chạm giao thông trên đường phố là điều không ai mong muốn, vì thế, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không hài lòng về cách giải quyết "lớn tiếng, cãi vã rồi ẩu đả". Còn nữa, sự manh động, côn đồ, thậm chí dùng hung khí hành hung để thỏa mãn thắng thua càng khó được chấp nhận trong một xã hội thượng tôn pháp luật.

Có thể thấy rõ qua những vụ ẩu đả, hành hung nhau từ va chạm giao thông xảy ra gần đây ở Hà Nội, người liên quan có đủ ở các lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, trung niên.

Cụ thể, trong vụ nhóm thanh thiếu niên dùng gậy, xẻng truy đuổi người đi đường sau va chạm giao thông tại ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), có thể thấy rõ sự manh động, hiếu chiến. Đáng lo hơn, trong số 18 đối tượng liên quan, tất cả đều trong độ tuổi từ 15 – 19 tuổi.

"Nhỡ va vào nhau, hai bên cùng nhanh lên tiếng xin lỗi, thế là đủ"

Qua hai vụ việc nêu trên, vấn đề về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông lại hâm nóng trở lại. Đa số ý kiến cho rằng, việc có người chết sau màn ẩu đả chắc chắn sẽ không xảy ra, nếu một trong hai bên "xin lỗi" trước. Đây là văn hóa giao thông, cách ứng xử văn minh cần có trong thời đại hiện nay. 

Từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết, trong suốt 7 năm ông chứng kiến duy nhất 1 lần to tiếng trên đường. Đa phần nếu “nhỡ va vào nhau thì hai bên cùng nhanh nhảu: Sorry (Xin lỗi)! Và thế là đủ”.

“Thêm vào đó, với luật pháp nghiêm khắc (ở những quốc gia phát triển - PV), tác động vật lý (xâm phạm thân thể) sẽ bị phạt cực nặng, nặng đến mức làm nguội tanh những cái đầu như núi lửa. 

Hơn thua nhau một câu nói, hơn thua nhau một ánh mắt, yêng hùng trong chốc lát để lúc khoanh tay ở đồn cảnh sát mới thấy nó vớ vẩn thế nào!. Sao không “xin lỗi” rồi cười xòa?”, PGS. TS Tạ Hải Tùng viết trên trang cá nhân. 

hieu8321 copy.jpg
Kết cục với Trần Văn Hiệp (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) và Trịnh Thịnh (44 tuổi, trú tại quận Ba Đình) sau màn lạng lách, tạt đầu, ẩu đả trên đường vành đai 2 ở Hà Nội

Đồng tình với các ứng xử này, ông Nguyễn Anh Quân (52 tuổi sinh sống tại Đức) cho biết, khi xảy ra va chạm thì 100% tài xế tự biết mình sai hay đúng. Và việc đầu tiên khi họ xuống xe là bắt tay, nói ngay lời "xin lỗi".

“Tôi chưa đụng xe ai bao giờ nhưng không dưới 5 lần họ va quệt vào mình. Câu đầu tiên tôi luôn nhận được là "xin lỗi". Trong quá trình giải quyết vụ va chạm hai bên luôn trao đổi lịch sự, không hề thóa mạ hay đánh nhau", ông Quân kể lại.

Người Đức, Nhật ứng xử bình tĩnh với va chạm giao thông

Chị Phạm Lan Anh, sinh sống và làm việc hơn 20 năm tại Nhật Bản chia sẻ, khi xảy ra va chạm giao thông trên đường phố, rất hiếm khi chủ phương tiện cãi vã, ẩu đả. Thay vào đó, họ sẽ gọi cho cảnh sát và công ty bảo hiểm đến hiện trường. 

“Công ty bảo hiểm thay mặt thân chủ chi trả chi phí phát sinh. Chủ phương tiện, công ty bảo hiểm tuân thủ quyết định của cảnh sát. Bên gây ra tai nạn sẽ rất chu đáo đến thăm hỏi nạn nhân nhưng không đến cũng không sao vì pháp luật đã xử lý”, chị Lan Anh nói. 

Chính việc tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn giao thông  mà tỷ lệ tai nạn tại đất nước mặt trời mọc giảm đáng kể. Chị Lan Anh dẫn chứng, trong năm 2022, Nhật Bản chỉ ghi nhận 2.610 người tử vong vì tai nạn giao thông. Theo nghiên cứu của Viện Nguồn lực thế giới, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản được đánh giá nằm trong top những thành phố an toàn nhất thế giới.

ammmmmmmbbbb.jpg
 Tài xế xe máy Trần Duy Quang bị bắt sau ẩu đả với lái xe taxi ở quận Tây Hồ, Hà Nội, khiến người này tử vong

Tương tự, ông Minh Tùng ( 54 tuổi, sinh sống ở Đức 31 năm) kể, Đức có luật lệ giao thông rất rõ ràng. Người dân để được lái ô tô trên đường cũng phải trải qua khóa đào tạo khắt khe, vì thế họ chấp hành luật rất nghiêm khi tham gia giao thông.

Nếu không may xảy ra tai nạn, người Đức luôn đối xử với nhau lịch sự, tôn trọng, không gây gổ, cãi nhau. Họ gọi cảnh sát tới lập biên bản và giao cho công ty bảo hiểm giải quyết. Khi làm việc với cảnh sát, họ sẽ tường thuật lại đúng diễn biến sự việc mà không có chuyện cố tình đổ lỗi hoặc né tránh trách nhiệm. 

“Trong những trường hợp không rõ lỗi tại ai, có thể thuê luật sư để họ xem hồ sơ của cảnh sát, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Trường hợp nếu gây tai nạn mà tự ý bỏ đi sẽ bị phạt nặng”, ông Minh Tùng thông tin.