Khi các lô hàng vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga đến được các nước trên khắp thế giới, hàng trăm triệu liều trong đó dán nhãn "sản xuất tại Trung Quốc".
Tháng trước, các công ty Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất hơn 260 triệu liều Sputnik V. Những thỏa thuận này cho thấy, các mục tiêu vắc-xin quốc tế của Trung Quốc và Nga ngày càng gắn kết với nhau khi họ hỗ trợ những nước đang phát triển bị các đối tác phương Tây truyền thống bỏ rơi.
CNN trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Duke phát hiện, trong khi một số nước như Canada, Anh và New Zealand đã mua đủ vắc-xin để tiêm chủng hơn 3 lần cho toàn bộ người dân, thì đại đa số các quốc gia hầu như không có đủ liều vắc-xin để chủng ngừa cho một nửa dân số.
Bobo Lo, một chuyên gia về quan hệ Nga - Trung từng giữ chức Phó trưởng phái bộ tại Đại sứ quán Australia ở Moscow quả quyết, cả Moscow và Bắc Kinh đều nhìn thấy cơ hội địa chính trị trong bối cảnh đại dịch và nhanh tay chớp lấy sự ủng hộ cũng như ảnh hưởng cho họ.
Nhu cầu tăng cao
Nga là quốc gia đầu tiên công bố sản xuất được vắc-xin vào tháng 8/2020 và đặt tên là Sputnik V. Những nghi ngờ ban đầu về hiệu quả của chế phẩm đã được dập tắt nhờ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa uy tín Lancet hồi tháng 2, với các kết quả ban đầu xác nhận vắc-xin đạt hiệu quả 91,6%.
Hiện nay, hàng trăm triệu liều Sputnik V của Nga cùng với các vắc-xin Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc đã xuất hiện ở khắp thế giới, dù mới chỉ có Sinopharm được chấp thuận tham gia sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ở Mỹ Latinh, khu vực theo truyền thống chịu ảnh hưởng của Mỹ, các quốc gia như Argentina và Chile đã mua số lượng lớn vắc-xin do Nga và Trung Quốc sản xuất để lấp đầy khoảng trống trong việc triển khai tiêm chủng cho người dân.
Kết quả theo dõi mua sắm vắc-xin của Đại học Duke cho thấy, Argentina đã đặt hàng 30 triệu liều Sputnik-V và 4 triệu liều Sinopharm. Cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận mua vắc-xin của hãng dược Mỹ Pfizer, dù đã đặt hàng 23 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca.
Indonesia, đồng minh lâu năm của Mỹ ở Đông Nam Á đã tìm tới Trung Quốc để đặt mua thêm vắc-xin Sinovac sau khi đơn đặt hàng vắc-xin AstraZeneca bị chậm trễ bàn giao tới một năm do dịch bùng phát mạnh ở Ấn Độ, theo hãng thông tấn Antara. Đến nay, Indonesia đã mua ít nhất 125 triệu liều Sinovac, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Nước bạn hàng lớn thứ hai của Sinovac là Thổ Nhĩ Kỳ, một "đối tác khu vực then chốt" đối với Washington như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 100 triệu liều của hãng dược Trung Quốc và bắt đầu tiêm các mũi vắc-xin đầu tiên hồi tháng 1 năm nay. Ankara thậm chí đã gửi hàng trăm nghìn liều Sinovac dư thừa cho nước láng giềng Libya.
Hồi tháng 2, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết đã nhận được đơn đặt hàng hơn 2,5 tỷ liều Sputnik V. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời đại diện Sinopharm tiết lộ, các khách hàng đã đặt công ty sản xuất tổng cộng 500 triệu liều vắc-xin. Trong khi đó, Reuters đưa tin, Sinovac được yêu cầu cung cấp 450 triệu liều và đang có kế hoạch chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm cho 10 quốc gia khác.
Thắt chặt hợp tác
Trung Quốc và Nga đã trải qua mối quan hệ sóng gió trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai nước đã phát triển mối ràng buộc chặt chẽ, dựa trên các lợi ích địa chính trị chung.
Đại dịch Covid-19 đã củng cố mối quan hệ đó hơn nữa. Chính Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov tuyên bố vào tháng 4/2020 rằng, hai nước sẽ "tay trong tay" chống lại kẻ thù chung "như đã từng làm trong Thế chiến thứ hai".
Trong một bài xã luận đăng tải trên Nhật báo Trung Quốc ngày 7/4, Đại sứ Trung Quốc tại Moscow Zhang Hanhui cũng khẳng định: "Thế giới càng thay đổi, càng hỗn loạn thì tình hữu nghị tuyệt vời giữa Trung Quốc và Nga ngày càng lớn lao".
Thực tế, Trung Quốc không chỉ sản xuất vắc-xin tự chế mà còn đang giúp sản xuất vắc-xin của Nga. Tính đến ngày 19/4, ba công ty tư nhân của đại lục đã ký những hợp đồng lớn với RDIF để sản xuất 260 triệu liều Sputnik V. Các thỏa thuận này một phần là do Nga không đủ năng lực sản xuất. Hồi tháng 1, RDIF từng cảnh báo về việc chậm trễ giao hàng cho các nước tới 3 tuần.
Nga đã buộc phải cắt giảm hợp đồng với các nhà cung cấp quốc tế để đạt được mục tiêu giao hàng Sputnik V. Hồi tháng 4, RDIF xác nhận 20 nhà thầu ở 10 quốc gia sẽ sản xuất loại vắc-xin này cho Nga.
Khả năng sản xuất vắc-xin của Trung Quốc cho các nước khác, bao gồm cả Nga, một phần là do đại lục gần như kiểm soát được dịch hoàn toàn bên trong lãnh thổ và nâng cấp nhanh chóng năng lực sản xuất. Hồi tháng 3, Sinopharm đã công bố kế hoạch tạo cho xuất xưởng tới 3 tỷ liều mỗi năm. Sinovac cũng thông báo đang đặt mục tiêu nâng công suất hàng năm lên 2 tỷ liều.
Sự hợp tác trên đã khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/3 khuyến cáo Nga và Trung Quốc có thể sử dụng vắc-xin để gây ảnh hưởng đối với những nước đang phát triển.
Dẫu vậy, theo Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu tại tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng quan hệ đối ngoại có trụ sở ở Mỹ, Nga và Trung đã góp phần mang tới giải pháp nhanh chóng cho nhiều quốc gia đang "khát" vắc-xin, dù vẫn còn những nghi ngại về việc họ chưa công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cơ bản để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của chế phẩm.
Tăng cường quyền lực mềm
Cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận đang triển khai các hoạt động ngoại giao vắc-xin. Phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov hôm 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị quả quyết, hai nước đều đang xúc tiến "công tác nhân đạo" thay vì tích trữ vắc-xin phục vụ lợi ích riêng như "một số quốc gia lớn khác". Tuy nhiên, một số lãnh đạo thế giới tỏ ra hoài nghi.
Hiện tại, chỉ 5,9% dân số Nga được chủng ngừa đủ 2 liều vắc-xin. Trung Quốc nói đã tiêm hơn 300 triệu liều cho người dân tính đến ngày 7/5, nhưng không đề cập rõ bao nhiêu là mũi tiêm đầu và bao nhiêu là mũi tiêm thứ hai. AP thống kê, lượng vắc-xin mà Trung Quốc xuất khẩu hoặc đem tặng nhiều hơn khoảng 10 lần so với số được phân phối trong nước.
Giới quan sát nhận định, Moscow và Bắc Kinh biết rõ cơ hội cung cấp vắc-xin của họ cho thế giới đang phát triển rất hạn hẹp, ngay cả khi các quốc gia phương Tây chưa bắt kịp. Do đó, hai nước đang tranh thủ mở rộng ảnh hưởng và củng cố "quyền lực mềm" qua tài trợ vắc-xin vào thời điểm hiện tại.
Song, một số chuyên gia lưu ý, những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu mới ở giai đoạn đầu. Bất kỳ diễn biến quan trọng nào, kể cả việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ từ bỏ tạm thời bảo hộ bản quyền vắc-xin Covid-19 cũng có thể thay đổi tình thế hiện tại.
Tuấn Anh
Xóa bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19
Năm 1955, Jonas Salk, nhà phát minh vắc-xin bại liệt đầu tiên thế giới, khi được hỏi ai sở hữu bằng sáng chế sản phẩm này, đã trả lời là mọi người.
Sự tham lam của các hãng dược khiến đại dịch Covid-19 kéo dài?
Sự thiếu hụt vắc-xin ngừa Covid-19 có thể kết thúc nếu các nhà sản xuất trên khắp thế giới được cấp quyền tiếp cận công nghệ, kiến thức cần thiết.