Xuất hiện ở Hà Nội từ lâu, nhưng gần đây việc kinh doanh loại hình này bỗng rầm rộ với việc khai trương liên tục hàng loạt cửa hàng mới.

Nhiều người lo ngại việc kinh doanh theo trào lưu sẽ nhanh chóng bão hòa và thua lỗ khi cơn sốt đi qua.

Đi đâu cũng thấy trà sữa khai trương

Tốc độ khai trương chóng mặt của các cửa hàng trà sữa tại Hà Nội đang khiến nhiều người bất ngờ. Theo Hoa, sinh viên Đại học Phương Đông, bạn có quá nhiều lựa chọn uống trà sữa thời điểm này. Nhiều cửa hàng có vị trí thuận tiện, không gian đẹp, dịch vụ tốt đang đặc biệt hút giới trẻ.

Các cửa hàng trà sữa cũng rất biết cách chiều lòng “thượng đế trẻ” khi cung cấp dịch vụ ship hàng đến bất cứ đâu, trong thời gian ngắn.

Theo khảo sát, tại các khu vực có đông học sinh, sinh viên, giới văn phòng và các trục giao thông chính đang có rất nhiều cửa hàng trà sữa mới được khai trương. Tại khu vực Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy có hàng chục cửa hàng với nhiều thương hiệu khác nhau liên tiếp mở ra.

{keywords}

Một cửa hàng trà sữa mới khai trương gấp rút trong khi biển hiệu cửa hàng cũ vẫn chưa kịp tháo bỏ. 

Các khu vực khác như Láng Hạ, Thái Hà, Chùa Bộc, Giảng Võ, Nguyễn Ngọc Vũ, đặc biệt là Nguyễn Trãi… liên tiếp có các cửa hàng trà sữa ra mắt thị trường.

Ngoài hàng chục thương hiệu phổ biến như Dingtea, Gongcha, Xingcha, Blackball, Mr.Goodtea, Royal tea, Tocotoco, Feeling tea, Bobapop… còn nhiều cửa hàng đầu tư kiểu gia đình. Ngoài ra, một số hàng cà phê, nước hoa quả cũng bán thêm trà sữa.

Một điểm chung giữa các hàng trà sữa mở rầm rộ hiện nay là phần lớn được đầu tư kiểu nhượng quyền. Các cửa hàng đều chọn mở ở những vị trí đẹp, thuận tiện giao thông, được trang trí trẻ trung, bắt mắt… Đặc biệt, hệ thống giao hàng nhanh được đầu tư mạnh, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của các thượng đế.

Nhu cầu nở rộ, lợi nhuận hấp dẫn.

Lý giải về việc trà sữa đang rầm rộ lan nhanh ở Hà Nội, anh L., chủ một cửa hàng tại khu vực Nguyễn Trãi, cho biết xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là xu hướng của giới trẻ và biên độ lợi nhuận hấp dẫn.

Theo anh L., quán trà sữa có không gian “sang chảnh”, trẻ trung đang rất hấp dẫn giới trẻ. Các loại trà du nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với nhiều vị lạ, ngon miệng được giới trẻ yêu thích, kéo theo xu hướng uống trà sữa tăng nhanh, nhất là dịp hè.

Nắm bắt được nhu cầu tăng cao, không chỉ các thương hiệu đã có kinh nghiệm mà nhiều người tay ngang cũng nhanh chóng đầu tư cửa hàng, gây dựng hệ thống. Có những thương hiệu cứ một tháng lại khai trương đến 4-5 cửa hàng ở Hà Nội. Cửa hàng nào cũng đông khách.

{keywords}

Các quán trà sữa có không gian đẹp đang hấp dẫn các bạn trẻ. 

Biên độ lợi nhuận hấp dẫn cũng là lý do mà nhiều người nhanh chóng đi đến quyết định đầu tư. Theo anh L., nếu một cửa hàng có vị trí tốt, vận hành ổn định, đồ uống ngon có thể đạt 30% lợi nhuận trên tổng doanh thu. Những cửa hàng còn lại dao động khoảng 20-25%.

Chị M., quản lý một quán trà sữa tại Thái Hà tiết lộ với số khách trung bình 200-300 lượt mỗi ngày, doanh thu có thể đạt 250-300 triệu đồng mỗi tháng. Theo đó, số lãi hàng tháng vào khoảng 75-100 triệu đồng. Như vậy, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, chỉ khoảng 9-10 tháng là chủ đầu tư có thể thu hồi vốn ban đầu.

Và những lo ngại “chết yểu”

Theo anh L., nhu cầu trà sữa tại Hà Nội có thể được coi như đang ở thời kỳ đỉnh cao. Hiện tại vẫn có nhiều người muốn đầu tư làm trà sữa.

Chị M. cho biết các quán trà sữa hiện tại đang phải cạnh tranh nhau rất gay gắt. Đầu tiên là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, sau đó là vị trí, không gian quán, chất lượng dịch vụ.

Với số lượng quán khai trương rầm rộ hiện nay, khách hàng trẻ có rất nhiều lựa chọn. Cũng có thể thấy rõ số lượng khách hàng tại các quán trà sữa đã bắt đầu chững lại, không còn tăng nhanh chóng như trước.

{keywords}

Một số người lo ngại xu hướng trà sữa sẽ nhanh chóng "chết yểu" như mì cay 7 cấp độ. 

Chị cảnh báo những người muốn đầu tư làm trà sữa cần cân nhắt rất kỹ chi phí đầu tư, cân đối với doanh thu và lợi nhuận. Nếu tính toán không kỹ, việc bỏ ra vốn lớn đầu tư ban đầu giữa lúc xu hướng thoái trào, khách giảm thấp, doanh thu không đủ bù đắp, rất dễ gây nguy cơ thua lỗ.

“Không nên chỉ nhìn vào xu hướng của giới trẻ, nhu cầu cao trước mắt mà vội đầu tư trà sữa”, anh L. nhấn mạnh.

(Theo Zing)