Bộ TT&TT vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành TT&TT tại Ninh Bình. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đến dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Theo ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, lực lượng thanh tra ở một số địa phương còn mỏng, chẳng hạn tại Hà Giang chỉ có 1 thanh tra viên; 3 sở TT&TT khác không có Chánh thanh tra.
Bị sáp nhập vào các phòng chuyên môn, không có Chánh thanh tra là những nguyên nhân gây khó khăn tới hoạt động thanh tra trong lĩnh vực TT&TT của nhiều địa phương.
Khảo sát hoạt động ở các Sở TT&TT từ năm 2020 đến nay cho thấy khoảng cách chênh lệch của các địa phương trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Cụ thể, trong hơn 2 năm qua có 7 Sở TT&TT không thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra. 12 Sở TT&TT thực hiện không quá 5 cuộc thanh tra, kiểm tra (trung bình 6 tháng/1 cuộc). Nếu so với các Sở thực hiện nhiều thì khoảng cách chênh lệch rất lớn, chẳng hạn như Vĩnh Long tiến hành tới 67 cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng thời gian nói trên. Có khoảng 30% các Sở TT&TT trên cả nước không có một cuộc thanh tra, kiểm tra hay quyết định xử phạt trong 6 tháng.
Trong thời gian tới, thanh tra Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn để nóng, xử lý nghiêm để răn đe; Giám sát các đối tượng quản lý, phát hiện nhắc nhở từ sớm để không xảy ra sai phạm lớn, nghiêm trọng. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, công sức.
Thanh tra Bộ TT&TT đang thí điểm xây dựng 2 nền tảng dùng chung là Nền tảng quản lý dữ liệu đơn thư khiếu nại, tố cáo để cập nhật chia sẻ dữ liệu với các sở; Hệ thống giám sát các đối tượng quản lý, ngăn chặn từ sớm, từ xa để không xảy ra các sai phạm lớn, nghiêm trọng. Dự kiến, trong năm 2022 sẽ hoàn thành nền tảng này và đưa vào sử dụng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của lực lượng thanh tra từ Trung ương tới các sở TT&TT trong hoạt động của toàn ngành. Ông cũng lưu ý phẩm chất của những người làm thanh tra đó là “Tâm sáng - Lòng trong - Tay sạch”. Mục tiêu cuối cùng của thanh tra là để ngành TT&TT tốt lên. Thanh tra làm tốt việc là khi ngành mình tốt lên, vi phạm giảm đi, nhất là các vi phạm cũ, phản ánh khiếu nại cũng giảm đi.
Lãnh đạo Bộ TT&TT nêu vai trò của việc giám sát, cảnh báo sớm trong hoạt động thanh tra. Ông cho rằng việc giám sát toàn diện có thể giúp phát hiện sớm để cảnh báo, nhắc nhở, từ đó sẽ không có các sai phạm nghiêm trọng. “Làm thanh tra thì nhắc trước xử sau, nhắc mà không sửa thì xử nặng tay để răn đe. Muốn vậy thì phải có hệ thống giám sát tốt để nhắc nhở sớm ngay từ khi sự việc còn nhỏ. Nếu không có hệ thống này, 5 năm mới thanh tra một lần thì không thể nhắc trước xử sau được mà chỉ có thể có sao xử vậy. Và như thế thì không có tính giáo dục nhiều, chống nhiều hơn là phòng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chuyển đổi số sẽ làm được việc giám sát online và toàn diện. Do đó, thanh tra phải sử dụng công nghệ nhiều hơn. Bộ trưởng cho biết hiện nay, nhiều Vụ, Cục của Bộ TT&TT đã kết nối được với các đối tượng và có công cụ số để giám sát. Do đó, thanh tra có thể kết nối với các đơn vị này. Ngoài ra, thanh ra cũng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu, hệ thống tri thức ngành để phục vụ cho việc giám sát, cảnh báo.
Các tri thức thanh tra phải được chắt lọc hàng năm và đưa vào hệ tri thức ngành. Mỗi năm cần hệ thống hóa lại tri thức mới, tự động hóa, dùng công nghệ hỗ trợ năng suất lao động mỗi năm tăng ít nhất 10%, chỉ có như vậy mới đáp ứng được nghiệp vụ.
Người đứng đầu ngành TT&TT nêu quan điểm: “Muốn các sở làm thanh tra tốt hơn thì Thanh tra Bộ phải lùi về sau để hỗ trợ, thúc đẩy. Thanh tra Bộ mà tiếp tục làm nhiều, làm giỏi hơn các sở thì các sở không thể giỏi lên được”.
Theo đó, Thanh tra Bộ TT&TT phải nắm nhân sự toàn ngành, chăm lo xây dựng con người; tổ chức tập huấn, đào tạo tập trung qua các nền tảng online (MOOC); Xây dựng những nền tảng số hỗ trợ các sở. Có khuyến nghị về tổ chức thanh tra tỉnh gửi cho địa phương tham khảo để tổ chức cơ bản là tự động. Thanh tra Bộ sẽ xây dựng hệ thống tri thức ngành, đầu tư công cụ, nền tảng số, chuyển đổi số cho toàn thể thanh tra ngành TT&TT để có một cơ sở tri thức thống nhất.
Bộ trưởng cũng lưu ý 4 vấn đề quản lý Nhà nước bao gồm: Luật pháp, thể chế phải tường minh, không tường minh sẽ gây rối xã hội, phụ thuộc vào chủ quan và không xử lý được; Xử phạt phải có tính răn đe; Phải có hệ thống giám sát online toàn diện, phát hiện sớm, cảnh báo sớm, thấy vấn đề nổi cộm để đi thanh tra; Thực thi nghiêm minh nhất là tại các địa phương.
Duy Vũ