Khởi đầu hành trình cách đây tròn 57 năm, Tuyên bố Bangkok ngày 8/8/1967 thành lập ASEAN chỉ có độ dài 2 trang khiêm tốn, nhưng chứa đựng trong đó là những mong mỏi và khát khao về hòa bình và thịnh vượng bền vững cho thế hệ mai sau.
Sự ra đời của ASEAN cùng những bước chuyển mình lịch sử của khu vực đã đưa Đông Nam Á vượt qua những chia rẽ của quá khứ, để trở thành điểm sáng trung tâm của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về sự đoàn kết và hợp tác, với tầm vóc chiến lược về chính trị và kinh tế. Sứ mệnh chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển đã gắn kết các nước thành viên ASEAN và đến lượt mình, một ASEAN gắn kết và tự cường luôn nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh đó ở những tầm cao mới.
Bởi vậy, trong phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Kim Kao Hourn đã nhấn mạnh sức mạnh và sự thống nhất của “đại gia đình” ASEAN trong suốt chặng đường dài. Từ một khu vực có xung đột, nghèo đói và chia cắt, ASEAN đã đoàn kết, phát triển trở thành một tổ chức gắn kết các quốc gia Đông Nam Á với nhau.
Tổng thư ký ASEAN khẳng định 57 năm qua, ASEAN đã kiên định giữ vững các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, pháp quyền, tích cực đối thoại, tạo ra các cơ hội hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó đạt được những thành tựu lớn trong việc xây dựng một khu vực ổn định, hòa bình và năng động, đồng thời cùng tham gia các nỗ lực tập thể, hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng, khả năng phục hồi và bao trùm cho tất cả cộng đồng ASEAN. Tổng thư ký Kao Kim Hourn không quên gửi lời cảm ơn đến các đối tác đã hợp tác chặt chẽ để củng cố và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì và đảm bảo một khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Tại Lễ kỷ niệm, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định: “Văn hóa hòa bình là ADN của ASEAN”.
Ngoại trưởng Retno không quên lưu ý “chúng ta không nên tự mãn. Một tính toán sai lầm có thể phá hủy những thành tựu của chúng ta trong gần 6 thập kỷ”. Không thể bỏ qua sự phức tạp về địa chính trị hiện nay. Cuộc xung đột ở Ukraine, ở Gaza và cuộc khủng hoảng ở Myanmar là một số ví dụ đã thử thách sự đoàn kết và uy tín của ASEAN.
Những bất ổn này xuất phát từ một số vấn đề nghiêm trọng hơn, như sự thiếu hụt lòng tin giữa các quốc gia, lý thuyết trò chơi tổng bằng không, sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương và sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, văn hóa hòa bình phải có trong ADN của ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, ASEAN cần đảm bảo các cam kết trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, tiếp tục ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nhất quán, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác với các đối tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Bà Retno cho biết thêm, sáng kiến xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên AOIP sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10 tới tại Viêng Chăn, Lào, cùng kế hoạch tổ chức Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ASEAN (AIPF) lần thứ 2.