Chiều 23/8, trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, các đại biểu kiều bào đã đến thăm Tòa nhà Quốc hội, xem múa rối nước và dâng hương tại đình Nam Hương, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Nhiều đại biểu cho biết, việc lan tỏa văn hóa Việt và ngôn ngữ Việt rất quan trọng, đặc biệt với thế hệ kiều bào trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Trải nghiệm múa rối nước ở Nhà hát múa rối Thăng Long, đoàn kiều bào được thưởng thức các tiết mục mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước với các hoạt động gắn với sản xuất nông nghiệp như Tễu giáo trò, múa rồng, múa phượng, chăn trâu, thổi sáo, vinh quy bái tổ, đua thuyền...
Kiều bào Nguyễn Kim Anh (89 tuổi) trở về từ Hungaria chia sẻ: “Loại hình nghệ thuật múa rối nước là nét văn hóa rất đẹp. Hiện Nhà nước ta đang đẩy mạnh gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài. Chúng ta dạy ngôn ngữ là phải dạy văn hóa. Đây là 2 phạm trù không thể tách rời. Nếu chỉ dạy ngôn ngữ, trẻ sẽ chỉ nói được đơn thuần, sử dụng trong đời sống, giao tiếp nhưng nếu dạy văn hóa, thế hệ kiều bào trẻ sẽ thực sự yêu và gắn bó với quê hương, Tổ quốc, cội nguồn”.
Trong lịch trình, đoàn tiếp tục đến dâng hương và tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống ở đình Nam Hương - ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi giữa lòng phố cổ.
Bà Phạm Thị Kim Hoa, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo địa phương cùng các đại biểu kiều bào đã thành kính dâng hương trước bia tưởng niệm và tượng đài Vua Lê.
Sau đó, đội tuyên truyền viên tình nguyện của phường Hàng Trống giới thiệu đến đoàn về dòng tranh dân gian Hàng Trống - một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam.
Kiều bào Nguyễn Kim Anh cho biết, khi còn nhỏ, gia đình ông thường mua tranh dân gian Hàng Trống để trưng vào dịp Tết. Xã hội hiện đại có nhiều dòng tranh khác nhau, song tranh Hàng Trống là một sản phẩm văn hóa cần được bảo tồn, lưu giữ giống như ngôn ngữ, thể hiện nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Ông Kim Anh chia sẻ thêm, “Tôi dạy về ngôn ngữ nên đánh giá cao công tác gìn giữ, phát huy ngôn ngữ Việt của Đảng, Nhà nước và cộng đồng kiều bào. Từng tham gia biên soạn sách dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tôi thấy thế hệ kiều bào trẻ ở một số nước biết tiếng Việt khá tốt. Tuy nhiên, một số nước khác, các cháu nói tiếng Việt còn hạn chế vì bố mẹ bận mưu sinh, chưa có thời gian, chưa coi trọng việc dạy tiếng mẹ đẻ.
Tôi cho rằng, các cháu sinh ra ở nước ngoài, gia đình cần dạy luôn tiếng Việt, văn hóa Việt và giao tiếp với con bằng tiếng Việt. Chúng ta phải động viên các gia đình, các bậc phụ huynh để các con coi đó là sinh ngữ chứ không phải ngoại ngữ. Cơ chế học nói của trẻ khác với cơ chế học ngôn ngữ của người lớn nên không sợ trẻ bị loạn ngôn ngữ”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, kiều bào ở Đức tâm sự: “Tranh Hàng Trống rất gần gũi với thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Xa quê nhiều năm, tôi ngỡ những thứ của ngày tháng cũ đã bị lãng quên nên rất xúc động khi thấy địa phương còn lưu giữ và phát triển dòng tranh dân gian này. Bản thân tôi khi dạy cháu tiếng Việt cũng hay kể về dòng tranh Hàng Trống. Khi dạy về ngôn ngữ, lồng ghép cả văn hóa theo kiểu câu chuyện, các cháu rất thích và mong được về Việt Nam”.
Ông Đặng Minh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được chọn là một trong những điểm đón đoàn kiều bào về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Đây cũng là dịp để quảng bá, lan tỏa hình ảnh văn hóa của phường, đặc biệt là quần thể di tích lịch sử đình Nam Hương đến bà con kiều bào.
Chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bố trí chương trình dâng hương ở tượng đài, bia tưởng niệm và sau đó là thưởng thức tranh dân gian Hàng Trống cũng như tham quan, tìm hiểu các nét kiến trúc cổ xưa của đình.
Về dòng tranh dân gian Hàng Trống, các cấp phường, quận và thành phố Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền đang cố gắng khôi phục, phát huy, bảo tồn. Chúng tôi có một đội tuyên truyền liên quan đến các di tích, truyền thống của Thăng Long, trong đó, có đình Nam Hương và dòng tranh dân gian này. Mong rằng, qua hoạt động ý nghĩa ngày hôm nay sẽ càng có nhiều kiều bào biết đến, quảng bá về đình Nam Hương, tranh Hàng Trống nói riêng cũng như các nét văn hóa độc đáo của Hà Nội nói chung”.