Lời toà soạn: Việc vội vã chia sẻ những thông tin cắt ghép, chưa được kiểm chứng khiến cho mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không chính xác, thậm chí là lan truyền tin giả. Báo VietNamNet gửi tới độc giả bài viết của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies nói về câu chuyện văn hoá số hiện nay.
Mấy hôm nay, trên mạng lan truyền hình chụp một cái công văn của Phòng Giáo dục Quận 12, TP.HCM, về việc lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai, gạch chân màu đỏ dòng gửi các “nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non”… Bức ảnh làm dấy lên một làn sóng châm biếm, chỉ trích đơn vị này làm sai chức trách. Đáng nói là, nếu được đọc toàn văn văn bản đó, chúng ta sẽ thấy một sự thật hoàn toàn khác. Người được lấy ý kiến cụ thể vẫn là người lớn, gồm các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhà đầu tư… Điều hết sức bình thường.
Bức ảnh cắt xén trên được gọi là “một nửa sự thật”, một thủ thuật thao túng tâm lý tinh vi của những kẻ tung tin giả (fake news). Cái trò này sẽ khó lừa được người khác, nếu trước đó không có một “sự thật” khác, là buổi lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai của học sinh phổ thông cơ sở Lương Yên (Hà Nội), do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện. Kẻ tung tin giả sẽ thành công nếu nó thật giả lẫn lộn, đánh trúng tâm lý định kiến đã thành hình trong một bộ phận công chúng.
Trong báo cáo khoa học năm 2018 với tiêu đề “Sự lan truyền của tin tức đúng và sai trên nền tảng trực tuyến”, các tác giả Vosoughi, Roy và Aral chỉ ra rằng, tin giả có khả năng được đăng lại cao hơn 70% và lan truyền xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn so với tin thật trong tất cả các loại thông tin. Một phân tích từ CNN cũng nói rằng tin giả và tin không được kiểm chứng lại là những thông tin nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ nhất. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) còn chỉ ra rằng tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến được với 1500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ. Năm 2019, một báo cáo của CIGI-Ipsos Global Survey cho biết có đến 44% đáp viên thừa nhận họ đã từng bị lừa bởi fake news, và 40% nói rằng họ mất niềm tin vào truyền thông vì tin giả.
Đó là một thực trạng đáng báo động của văn hoá số, một thuật ngữ chỉ thái độ và cách ứng xử của chúng ta trên internet và các nền tảng mạng xã hội. Dường như con người càng ngày càng tỏ ra hời hợt trong cách tiếp cận thông tin. Cơn lốc thông tin tràn ngập trên mạng xã hội khiến người ta ít chịu tìm hiểu kỹ những nội dung họ được đọc lướt qua. Lượng thông tin quá nhiều đến mức độ con người không thể hấp thụ, nên mất dần khả năng hiểu thấu đáo sự việc, hiện tượng. Đọc một dòng tiêu đề, người ta tự cho là đã hiểu toàn bộ nội dung bài báo, và sẵn sàng bày tỏ thái độ một cách kích động theo cách hiểu của họ.
Chỉ vài ngày trước, tiêu đề một bài báo trích dẫn câu nói của PGS, TS Nguyễn Ngọc Anh, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã trở thành cái cớ để mạng xã hội lên đồng: “Tôi đã “đọc” báo Phụ nữ Việt Nam từ khi còn chưa biết chữ”. Người ta cũng đua nhau chia sẻ bức hình chụp lại phần tiêu đề bài báo, với bức ảnh chân dung của vị tiến sỹ, kèm theo những lời bình luận khiếm nhã, nhạo báng ông. Tất nhiên, tất cả bọn họ chưa bao giờ đọc hết bài báo, nên chưa bao giờ biết rằng thực ra ông kể về kỷ niệm thơ ấu được người lớn đọc cho nghe như thế nào.
Tác giả Heather Satterfield, viết trên trang sysomos.com rằng, biển thông tin dồn dập trên mạng xã hội, khả năng thao túng thông tin bằng sự mơ hồ của thật giả, cùng với đủ loại tin đồn, tin giả, thuyết âm mưu… được thuật toán thông minh đánh trúng đích đối tượng mục tiêu, đều có thể tác động tiêu cực đến chính trị và xã hội. Sự lan truyền nhanh chóng của tin giả và thông tin sai lệch trên các nền tảng số có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, đó là sự mất niềm tin vào báo chí, phá hoại tiến trình dân chủ, là nền tảng cho các thuyết âm mưu có hại và ngôn từ kích động thù địch, truyền bá thứ khoa học sai lệch hoặc mất uy tín…
Cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho công chúng. Báo chí nhiều khi cũng là tác nhân gây ra những hiểu nhầm với cách đưa tin thiếu đầy đủ hoặc giật tít câu view, làm sai lệch bản chất sự thật. Mới đây, mạng xã hội được phen xôn xao với tiêu đề bản tin “Chủ chuỗi Kichi- Kichi, Gogi... chấm dứt hoạt động của 39 chi nhánh”, mà thực ra, câu chuyện là họ chỉ tái cấu trúc, đóng chi nhánh ở các tỉnh và chuyển quyền quản lý các cửa hàng về một vài chi nhánh lớn.
Hậu quả tất yếu của thói giật tít câu view là người đọc bị nhầm lẫn giữa sự thật với quá nhiều phiên bản méo mó của sự thật. Điều nguy hiểm là, người ta thường xuyên nhầm tưởng cái niềm tin được hình thành từ những thông tin sai lệch là chân lý, và họ sẵn sàng sử dụng các kênh truyền thông cá nhân để chia sẻ, lan truyền và thuyết phục người khác với niềm tin đó. Trang Thinkibility.com nói rằng, “chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hậu sự thật mới và đáng sợ, chúng ta bị bao quanh bởi sự dối trá và hư cấu”.
Vậy, chúng ta cần có thái độ như thế nào với thông tin trên mạng, hay nói đúng hơn là chúng ta nên xây dựng cho mình một văn hoá số ra sao? Có một câu nói đùa rằng, trước đây chúng ta đọc báo để hiểu biết, còn bây giờ chúng ta phải hiểu biết mới đọc được báo. Nên hiểu “báo” ở đây là truyền thông nói chung, và “hiểu biết” ở đây là năng lực miễn nhiễm với tin giả, tin sai lệch, thiếu chính xác.
Trong nhiều lần chia sẻ trên các diễn đàn khác nhau, tôi từng nói rằng khả năng kiềm chế của con người trước cái ham muốn nhanh chóng chia sẻ, post một thông tin mình mới nghe, thể hiện cái quyền lực của cá nhân mình, hoặc chỉ để thể hiện rằng mình cũng là một phần nhanh nhạy trong cuộc, là điều gì đó khá khó khăn trong cuộc đua thông tin trên mạng xã hội. Trên thực tế, để có thể miễn nhiễm với tin giả, tin sai thì cần giảm tốc độ “like”, “comment” hoặc “share”, thận trọng kiểm tra xem thông tin đó từ nguồn tin đáng tin cậy nào không, có nguồn nào khác cũng đăng tải thông tin tương tự hay không, điều mình nghe hay đọc được có phải là toàn bộ sự thật hay không. Cũng có thể, đi sâu hơn nữa, chúng ta phải xem thông tin đó có lợi cho ai, có mâu thuẫn với quyền lợi của số đông hay không. Bất cứ nghi ngờ nào cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cần kiểm chứng thông tin trước khi tương tác với nó.
Bên cạnh đó, vai trò của báo chí và truyền thông là hết sức quan trọng. Trong kỷ nguyên của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, đưa thông tin nhanh và hay chưa phải là yếu tố nên được ưu tiên hàng đầu, mà đúng, chính xác và không bị hiểu sai lệch mới là điều kiện tiên quyết. “Trong một thế giới của định kiến và thiên vị, có lẽ thách thức lớn nhất đối với các nhà báo là sống theo nhiệm vụ trần thuật công bằng và cân bằng”. Stefanie Chernow viết như vậy trong bài “Báo chí có đạo đức trong hành động: Chống lại sự thiên vị và phân biệt đối xử”, đăng từ năm 2013, trên trang Ethical Journalism Network.
Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies