Anh Trần Ngọc Vỹ (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm 2020, khi quyết định mua căn hộ chung cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), anh đã vay 10 lượng vàng của người thân. Thời điểm đó, giá vàng chỉ 48 triệu đồng/lượng. Anh hẹn trả số vàng này vào tháng 7/2022.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng dù không biến động mạnh như năm 2021, có xu hướng chững lại nhưng vẫn đứng ở ngưỡng cao khiến anh Vỹ lo lắng.
“Tôi theo dõi nhiều tháng nay, giá vàng xoay quanh ngưỡng 68 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, nếu tôi trả khoản vay bằng vàng thì số tiến chênh cũng lên tới 200 triệu đồng/lượng so với lúc vay. Với mức này, không khác gì tôi đi vay nặng lãi. Nhưng không biết làm thế nào vì khi vay, tôi đã chấp nhận trả bằng vàng”, anh Vỹ nói.
Tuy nhiên, ngày hôm qua (18/7), vàng trong nước bất ngờ giảm sâu khi lao dốc tới 5 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng 1 ngày. Diễn biến này khiến anh Vỹ mừng rỡ vì hạn trả bằng vàng chỉ còn vài ngày nữa, giá vàng càng giảm mạnh sẽ càng có lợi cho anh.
“Với mức giảm như hôm qua, tôi đã bớt được 50 triệu đồng phải trả. Những ngày tới, nếu giá vàng tiếp tục hạ, tôi sẽ bớt được thêm một khoản tiền lớn. Tôi rất kỳ vọng vào điều này vì trên thế giới, giá vàng cũng đang liên tục hạ khi giá USD tăng. Nhiều dự đoán cho rằng thị trường kim loại quý khó phục hồi mạnh trong năm nay. Bối cảnh này chắc chắn sẽ tác động đến giá vàng trong nước”, anh Vỹ nói.
Tương tự anh Vỹ, chị Hạnh Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang lo trả khoản nợ bằng vàng từ năm 2019. Tại thời điểm này, giá vàng dao động khoảng 37 - 38 triệu đồng/lượng, số tiền 500 triệu đồng chị Tuyết cần vay tương đương 13 lượng vàng.
Nhưng đến nay, giá vàng hiện tăng gần gấp đôi so với thời điểm chị vay khiến khoản tiền phải trả phình ra theo giá vàng hiện nay là hơn 800 triệu đồng, tức chị Tuyết phải mất thêm khoảng 380 triệu đồng.
"Khoản tiền trả thêm có thể mua được gần 10 lượng vàng ở thời điểm vay. Nói thế mới thấy được giá vàng đã tăng mạnh thế nào và người vay bằng vàng như tôi thiệt thòi ra sao”, chị Tuyết nói.
Hôm qua, nghe tin giá vàng giảm tới gần 5 triệu đồng/lượng, chị Tuyết rất hào hứng vì chỉ trong vòng 1 ngày số tiền chị phải trả đã bớt được hơn 70 triệu đồng.
Cuối tháng 7 là thời hạn chị Tuyết phải trả số vàng này, nên chị mong giá vàng tiếp tục hạ để chị bớt áp lực trả nợ khi phải mua vàng với giá cao ngất ngưởng.
“Vàng đã tăng quá nhanh trong năm 2021, vì vậy, tôi hy vọng vàng giảm giá để những người lỡ vay bằng vàng như chúng tôi bớt gánh nặng ”, chị Tuyết tâm sự.
Hôm qua (18/7), giá vàng trong nước đã có lúc giảm sâu về ngưỡng 62 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 15h30 chiều 18/7, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 62 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này đã bốc hơi 5,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 5 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu phiên giao dịch.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Đại học Tài chính, Hà Nội, giá vàng trong nước rơi tự do là chuyện dễ hiểu, do giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên gần đây. Trong 1 tuần nay, giá vàng thếgiowis đều dao động quanh vùng 1.700 USD/ounce. Đây là ngưỡng thấp nhất hơn 1 năm nay. Trước đó, giá vàng chủ yếu ở mức1.800 - 1.900 USD/ounce, thậm chí có thời điểm leo đến gần 2.000 USD/ounce.
Theo quy luật, nếu giá vàng thế giới tăng, thường giá vàng trong nước sẽ tăng ngay theo. Nhưng khi vàng thế giới giảm, vàng trong nước thường giảm chậm chạp. Vì vậy, khi vàng thế giới đã giảm từ nhiều phiên trước, đến bây giờ vàng trong nước mới giảm cũng là bình thường.
“Đồng USD mạnh lên là nguyên chính khiến vàng giảm giá vì USD đắt sẽ khiến chi phí nắm giữ vàng tăng cao”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
(Theo VTC News)