Hoạt động không phép, thu mua đủ các loại lợn ốm chết về giết mổ, đủ chiêu trò phù phép thịt lợn chết để lừa khách hàng là những bí mật kinh hoàng mà nhóm phóng viên đã chứng kiến sau nhiều ngày thâm nhập vào các điểm giết mổ lợn.
Mỗi kilogram thịt lợn được các thương lái bán ra thị trường chỉ từ 30 - 40 ngàn đồng. Để tìm câu trả lời cho mức giá này, chúng tôi đã theo chân nhiều thương lái và tìm đến “kinh đô” giết mổ lợn ốm chết.
Theo chân thịt lợn giá rẻ
Nhận được thông tin từ bạn đọc về thực trạng thịt lợn giá rẻ, đã bốc mùi được bán tràn lan tại nhiều nơi, nhóm phóng viên đã thâm nhập vào nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh ở các huyện Gia Lâm, Long Biên (Hà Nội), chợ tự phát cạnh các khu công nghiệp, trường đại học ở Hưng Yên, Bắc Giang để tìm hiểu. Qua nhiều ngày điều tra, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều hàng thịt lợn trắng nhợt, rệu rã, bốc mùi thối được bày bán công khai. “Mua đi chị bán rẻ cho, 20 ngàn cũng có mà 40 ngàn đồng/kg cũng có”, người phụ nữ tên Thanh bán thịt lợn “giá rẻ” ở một chợ dân sinh tại thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) mời chào khách.
Được tiếng thịt lợn giá rẻ nên hàng thịt của Thanh luôn đông khách. Hầu hết khách đến đây đều mua với số lượng lớn, theo điều tra đây là chủ các quán cơm, quán nhậu. Mới 9h sáng nhưng hàng thịt của Thanh đã bán hết. Chiếc xe Dream cũ BKS 89K4-71… do Thanh điều khiển nhanh chóng rời khỏi chợ tiến thẳng ra hướng quốc lộ 5 về Hưng Yên, tôi quyết định rồ ga bám theo hành trình của người phụ nữ này. Đến đoạn qua thị trấn Bần khoảng 700m, Thanh giảm ga rẽ trái chạy về thôn Lỗ Xá xã Nhân Hoà (Mỹ Hào, Hưng Yên).
Một con lợn đã chết gần 2 ngày chuẩn bị được lọc lấy thịt mang đi bán. |
Bước chân vào đến đầu làng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, những kênh nước hai bên đường đen nhẻm. “Họ thiếu ý thức, hám lợi lắm, lợn chết mấy ngày rồi còn mang về mổ đem đi bán. Đã thế lòng, phổi, dạ dày không chịu chôn lấp hay mang ra hố rác lại đưa đến gần khu vực nghĩa trang này vứt. Sáng nào ngủ dậy, tôi cũng dọn được gần chục túi bóng đựng lòng lợn chết”, ông Hoàng - một người dân thôn Lỗ Xá bức xúc.
Vào thôn Lỗ Xá, trong vai một người đi mua thịt lợn chết với số lượng lớn để về mở quán cơm và cung cấp cho các cửa hàng làm nem, giò chả, tôi được nhiều người dân địa phương đon đả mời chào, ai cũng cố gắng chèo kéo về nhà người thân của mình để lấy hàng. “Chú cứ sang nhà Hiền, nó là em chồng tôi nên tôi biết. Thịt lợn con ốm chết, sề ốm chết hay bột ốm chết gì cũng có. Nhiều lắm, thời điểm dịch bệnh tai xanh có ngày nó mua về cả trăm con lợn chết mổ mang đi bán”, bà N - một người dân mời chào.
Nói rồi bà N tiếp lời: “Cái làng này nhiều người mổ lợn ốm chết lắm, cứ thấy nhà nào xây kho lạnh hay đặt mấy cái tủ lạnh loại lớn trước cửa là nhà đấy làm nghề mổ lợn ốm chết. Chú muốn lấy nhiều để đi buôn thì đến nhà Thuật Hiên, Hoa Trùy, hay nhà bà Nga mà mua”.
Hối hả gom lợn chết
Theo giới thiệu từ nhiều mối, tôi quyết tìm đến lò mổ của ông chủ tên T. Căn nhà ba tầng khang trang luôn kín cổng cao tường, ngay bên trái ngôi nhà là điểm giết mổ rộng khoảng 100m2 tập kết cả chục cái chân, đầu heo nằm lăn lóc, ruồi nhặng bu đầy. Thấy có người lạ gọi cửa, T nhìn khách với vẻ dò xét: “Chú từ đâu đến. Tìm tôi có việc gì?”. Khi nghe tôi trình bày lý do, T trừng mắt: “Chú mày định lươn anh à, nói giọng miền Trung đặc sệt thế kia thì quán hàng gì ở cái đất này, ở đây có quán nào mà anh không biết. Nhà báo à, lượn đi không mấy thằng em nó xử luôn đấy”.
Trước cái lắc đầu dứt khoát của T, tôi tìm đến lò mổ của ông chủ tên H. Sau một hồi trò chuyện, H cười khoái chí: “Được. Lấy bao nhiêu cũng được. Chết vài ngày anh có, cả tuần cũng có, thịt nào giá ấy, rẻ nhất là 10 ngàn đồng/kg”. Theo quan sát, phía sau căn nhà khang trang của H là một khu giết mổ rộng chừng 150m2, tại đây lúc nào cũng có 2 nhân viên làm việc liên tục cả ngày.
Dẫn tôi ra xem khu nhà kho đựng 3 chiếc tủ lạnh loại lớn, H cho biết, ngoài 2 nhân công chuyên mổ lợn chết tại lò, H còn gây dựng cả một đường dây hơn chục người từ các trang trại trên địa bàn các huyện lân cận để báo tin và gom lợn ốm chết rồi chở về lò mổ cho H. H gọi đội quân này là hệ thống chân rết, là chim lợn, có lúc lại gọi là "cò" lợn chết. “Bây giờ phải có cả hệ thống chân rết khắp nơi như thế, không lấy đâu ra lợn chết mà mổ, đợt này nhiều lò mổ lợn chết nên cạnh tranh ghê lắm. Nhiều bữa phải gọi thêm 3 đứa em đến phụ, mà làm thâu đêm không hết việc. Có ngày, tôi nhận cả trăm cuộc điện thoại thông báo lợn chết”, H nói.
Sau một cú điện thoại, H cử một nhân viên phóng xe máy chở 4 bao tải và không quên căn dặn: “Gom nhanh không quân nhà Trùy nó gom mất đấy. Ép được cứ ép không căng quá cứ trả thêm vài giá mà chở về”.
Cũng như đội quân của H, quân của nhà Trùy, nhà Lan, nhà Thuật cũng hối hả thay phiên nhau đi gom lợn chết, trong thôn lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng xe máy, xe tải nhỏ nổ bành bạch vào làng. Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ sáng 18.5 ngồi mật phục tại một quán nước ngay cổng làng Lỗ Xá đoạn gần chợ Dầm, chúng tôi ghi nhận có khoảng 20 chuyến xe máy chở lợn ốm chết và 3 chuyến xe tải nhỏ chở lợn bột về các điểm giết mổ. Không cần che dấu, nhiều "cò" lợn chết chở cùng lúc cả chục con lợn chết chạy thẳng vào các lò mổ trong làng để tiêu thụ.
Một "cò" lợn chết hối hả chở một xe lợn chết đã mổ vào thôn Lỗ Xá. |
Ngang nhiên giữa ban ngày
12h trưa 22.5, chiếc xe Dream cũ mèm kéo theo sau một thùng xe 2 bánh bằng sắt tự chế tiến thẳng vào cổng làng thôn Lỗ Xá, trên xe 4 con lợn chết đã mổ bụng nằm chồng lên nhau được đậy bằng một miếng bạt màu xanh đã cũ nát. Chiếc xe ì ạch chạy đến đâu, nước, máu chảy rải đều xuống mặt đường in thành từng vết dài, nhiều người dân qua lại phải bịt mũi, buồn nôn vì mùi thối bốc lên thum thủm.
Vượt qua những con đường làng ngoằn ngoèo, chiếc xe máy chở lợn chết đỗ uỵch trước một ngôi nhà ba tầng khang trang. “Hoa ơi, nhận hàng!”, sau tiếng gọi hai vợ chồng chủ ngôi nhà đeo khẩu trang, găng tay kín mít ra bốc hàng vào nhà. “Chắc chết mấy ngày nay rồi. Thối inh thế này bán sao nổi. Thôi bớt đi ít giá”, bốc xong ba con lợn chết đã mổ bụng vào nhà bà chủ đưa cho người đàn ông này một tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng. Giao xong, người đàn ông này tiếp tục chở hàng đến nhà ông chủ tên Thuật ngay cuối thôn Lỗ Xá.
Lúc tôi tiếp cận lò mổ vợ, chồng Hoa đang hì hục lọc thịt 3 con lợn chết để bỏ vào tủ lạnh. Toàn bộ chân, đầu, xương được bà chủ này bỏ riêng vào túi ni lông rồi đựng vào thùng xốp. “Chú yên tâm, lên tận nơi lấy anh chị giảm cho vài giá. Toàn thịt lợn chết nhưng chế biến ra còn ngon lắm đấy. Loại chết một ngày anh lấy 40 ngàn đồng/kg. Loại chết 2 ngày trở lên lấy cho chú 20 ngàn/kg. Lấy về làm mà xem, lãi kinh lắm”, mở tủ lạnh cho khách xem hàng, Hoa tiếp thị.
Theo quan sát, ngay bên cạnh điểm giết mổ của bà chủ tên Hoa là 4 chiếc tủ lạnh loại lớn đựng toàn thịt lợn chết. Hoa tiết lộ, một nửa số lợn chết mổ tại lò mổ của Hoa được mua từ các trang trại ở Văn Giang, Yên Mỹ, phần còn lại nhập từ một người đàn ông tên Khánh. “Đợt này nhiều lò mổ lớn mọc lên, ai nấy đều hối hả cho quân đi gom. Những người vừa mổ vừa đi bán như chúng tôi không kịp gom nên phải nhập thêm hàng từ những lò mổ lớn. "Cò" vận chuyển lợn chết lớn nhất ở đây là lò “trùm Khánh””, Hoa tiết lộ.
Trước ý định làm quen với “trùm Khánh” để gom thêm hàng của tôi, Hoa nhiệt tình: “Chú cứ gọi vào số 01677016… Cứ bảo khách của bà Hoa chứ người lạ gọi đến nó không gặp đâu”.
(Theo Lao động)