Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đơn vị này vừa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.
Kết quả, có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện, cải tiến.
Tính đến nay, có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho cơ quan chức năng Trung Quốc. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp triển khai theo kế hoạch của phía bạn.
Từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Khối lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000-15.000 tấn. 2022 là năm đầu tiên mở cửa thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 46.000 tấn.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022 lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 78% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của nước ta.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Trung Quốc là 97%.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, sầu riêng Việt Nam đang vào chính vụ thu hoạch, sản lượng quý II và quý III ước đạt 650.000 tấn. Đây cũng là hai quý có sản lượng sầu lớn nhất trong năm 2023.
Trước đó, khi trao đổi với báo chí, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng gợi mở hướng phát triển cho quả sầu riêng Việt Nam. Theo ông, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Người Trung Quốc không chỉ ăn sầu riêng mà nay còn chế biến rất nhiều món ăn khác nhau.
Bởi vậy, chúng ta cũng cần nghiên cứu ra những giống sầu riêng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trên thị trường. Ngoài xuất bán quả tươi cần tính toán đến xuất khẩu sầu múi (sầu đã tách vỏ) như vậy vận chuyển sẽ dễ dàng hơn, ông Hoan chia sẻ.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) cho biết, sầu riêng mấy ngày trở lại đây đã tăng giá.
Thời điểm cách đây nửa tháng, sầu Ri6 mua tại vườn giá chỉ 50.000-57.000 đồng/kg nay lên tới 60.000-64.000 đồng/kg. Nếu mua qua thương lái, giá ở mức 70.000-72.000 đồng/kg.
Với sầu riêng monthong, giá dao động từ 75.000-77.000 đồng/kg, hàng loại đẹp giá có thể lên tới 80.000 đồng/kg.
Sầu Ri6 đang đứt lứa nên giá cao, còn sầu monthong đang rộ mùa. Hiện, mỗi ngày ông Lộc thu mua 1 container sầu riêng khoảng 18 tấn theo đơn của doanh nghiệp để xuất sang thị trường Trung Quốc.