Lăng Ông Nam Hải nằm ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Đây là thiết chế văn hoá thuộc tín ngưỡng dân gian của ngư dân địa phương, được khai lập từ rất xa xưa. Đến năm 2003, lăng được địa phương lập lại để thờ thần Nam Hải (tức cá voi).
Khuôn viên Lăng Ông Nam Hải được xây dựng không quá lớn nhưng khá khang trang. Ngư dân tôn thờ thần Nam Hải bởi họ tin rằng, trời dông bão, sóng to, gió lớn, bao giờ cá Ông cũng giúp đỡ ngư dân thoát nạn nơi biển cả mênh mông.

Lăng Ông Nam Hải - Gành Hào thờ thủy tổ ngư nghiệp, đồng thời cũng chính là thủy tổ chung của các ngư dân biển Đông Hải - Bạc Liêu. Bên trong lăng thờ, nổi bật là hình ảnh chiếc tàu đánh cá của ngư dân và nhiều hiện vật, tư liệu về cá Ông. 

Một nhân viên trông coi tại đây cho biết, năm 2010, ngư dân thị trấn Gành Hào phát hiện một cá nhám Ông (cá nhám voi) “luỵ” ngoài biển khơi và được ngư dân đưa vào bờ. Con cá Ông dài 9,7m, vòng bụng trên 5m, nặng khoảng 13 tấn. Sau đó, cá Ông được Viện Hải dương học Nha Trang ướp xác bảo quản, lấy da nhồi bông và trưng bày tại Lăng Ông Nam Hải.

Theo quan sát, bộ da cá nhám hiện nay còn khá nguyên vẹn, từ phần đuôi cho tới thân, miệng, mũi cá. “Nhìn từ xa, nhiều người rất dễ nhầm tưởng rằng đó là chú cá nhám khổng lồ vẫn đang sống”, nhân viên trông coi chia sẻ.
Đến năm 2013, bộ da cá Ông nhồi bông này được Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập lớn nhất Việt Nam.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá, với hơn 20 bộ xương cá Ông được ngư dân đem vào lăng Ông để thờ. Nhiều ngư dân địa phương cho biết, có những bộ xương cá Ông tuổi đời hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm.
Lăng Ông Nam Hải được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng phân cấp lễ hội cấp huyện. Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải diễn ra từ ngày 9-11/3 âm lịch hàng năm rất sôi nổi, thu hút hàng ngàn người từ trong và ngoài tỉnh tham dự.