Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Ông cũng mong Bộ GD-ĐT thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung mà trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn". Yêu cầu các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến gọi học sinh là "các bạn". Các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo". Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

{keywords}
Khẩu hiệu gây tranh cãi khi 'chào mừng các con học sinh trở lại trường học'. Ảnh: website THCS Giảng Võ

Giáo sư Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Mỹ) cho hay sinh viên, nghiên cứu sinh gọi thầy bằng chính tên của họ. Ông kể về lần đầu tiên họp nhóm với thầy Mark Gordon, người dẫn dắt ông vào con đường nghiên cứu khoa học. Nhóm của thầy có hai nghiên cứu sinh tên Jerry và Kim, cùng một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và ông. Trong buổi họp, điều làm ông ngạc nhiên nhất là Jerry và Kim gọi thầy mình bằng tên và tranh luận với Mark ngang hàng. Thầy của ông là Mark lúc đó nét mặt rất vui vẻ tranh luận với mọi người như không có vấn đề gì. 

Lúc này ông vẫn còn nặng nề bởi văn hóa “thầy bảo trò vâng”, lúc nào cũng phải kính trọng nên đã bị sốc văn hóa và một hồi sau ông rụt rè gọi Prof. Gordon, ....(giáo sư Gordon) thì nghiên cứu sinh Kim nói có thể gọi ông ấy là Mark và người thầy của ông cũng gật đầu và nói trong cuộc họp nhóm hãy gọi ông ấy là Mark.

GS Trương Nguyện Thành kể, sau một thời gian khi ông đã hoà nhập và hỏi thầy của mình rằng tại sao các nghiên cứu sinh thường gọi giáo sư hướng dẫn của mình bằng tên thay vì Prof., trong khi đó văn hóa Á Đông xem đây là hành động thiếu lễ phép và không tôn trọng vai trò của người thầy.

Vị giáo sư của ông đã giải thích rằng ăn nói lễ phép chỉ là bề nổi của sự tôn trọng. Nếu một người ăn nói lễ phép trước mặt người thầy rồi sau lưng chửi thề thì đó không phải là sự tôn trọng, do vậy không nên quá đặt nặng bề nổi của vấn đề mà hãy nhìn vào phần chìm. Mặt khác, nghiên cứu sinh gọi bằng tên để dễ dàng phản biện. Sau này, các nghiên cứu sinh của giáo sư Trương Nguyện Thành cũng gọi ông là “Thành hay anh Thành”.

Gọi “con” không có gì sai!

Thầy Phạm Thái Sơn, ở TP.HCM, cho rằng việc học sinh xưng “con” với thầy cô và thầy cô gọi học sinh là “con” là bình thường. Bởi các thầy cô gọi các học sinh bằng “con” xưng mình là cô, thầy như vậy cho thân thiện hơn. Điều này thấy rõ nhất là những trường học ở miền Tây Nam Bộ, thầy cô thường xuyên xưng “con” khi gọi học trò của mình.
 
Theo thầy Sơn, gần như ở bậc tiểu học thì các thầy cô vẫn xưng hô như vậy, nhưng lên học cấp 3 thì không nên xưng hô như vậy vì như thế có cảm giác như vậy là xúc phạm đến học trò.

Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, cho hay việc xưng hô “con” với thầy cô hay thầy cô gọi học sinh là “con” là thói quen vùng miền. Đặc biệt ở miền Nam khi người nhỏ gặp người lớn tuổi đa số đều xưng là “con”.

“Bản thân tôi cũng như vậy, khi gặp người lớn tuổi tôi cũng xưng là “con” chứ không xưng là “cháu”. Ngay từ khi tôi còn nhỏ tôi đã xưng với thầy cô của mình là “con” và bây giờ gặp lại tôi vẫn xưng như vậy dù có những người thầy, cô chỉ hơn tôi khoảng 10 tuổi”- thầy Bảo nói.

Tuy nhiên, thầy Bảo kể rằng khi học ở trường đại học sư phạm, các thầy cô đã từng dặn giáo sinh khi ra trường đi dạy, tuổi còn trẻ nếu gọi học sinh là “con” sẽ không phù hợp. Do vậy khi vừa ra trường, thầy Bảo đã gọi học sinh là “em” hoặc gọi bằng tên học sinh như: “thầy nói với Nguyên nghe, thầy nói với Tuấn này”. Thế nhưng học sinh không quen với việc này và vẫn xưng với thầy Bảo là “con”. Tuy nhiên thầy Bảo đã quen gọi “em” và xưng thầy với học trò.

Theo thầy Bảo việc này là thói quen và không có gì xấu. Tuy nhiên với giáo viên trẻ, vừa ra trường gọi học trò là “con” thì chưa phù hợp. Trở lại một tấm bằng rôn gọi học sinh là “con” thầy Bảo cho rằng nếu người lớn đọc thì có người sẽ không hài lòng, chưa đồng ý. Tuy nhiên đối tượng mà băng rôn hướng đến là các em học sinh. Có thể thầy cô dùng từ như vậy để tạo sự thân thiện, gần gũi, trường học đối với các em như là nhà. Và đây không phải lỗi lầm gì nghiêm trọng nhưng nếu dùng từ "em" sẽ phù hợp hơn.

Cũng theo thầy Bảo nếu kiến nghị giáo viên không được gọi học sinh là “con” là quá cứng nhắc.

“Tiếng Việt vốn phong phú và cách xưng hô ngoài thể hiện thứ bậc còn thể hiện tình cảm nữa. Tôi cho rằng giáo viên chỉ nên hạn chế thôi chứ "không được" thì không phù hợp”- thầy Bảo nói.
 
Lê Huyền

Khẩu hiệu 'Tiên học lễ...' nên chấm dứt?

Khẩu hiệu 'Tiên học lễ...' nên chấm dứt?

"Việc sử dụng lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt..." – nhà Nghiên cứu phê bình Văn học Lại Nguyên Ân tham luận.