Đáng chú ý, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039 – thời điểm Việt Nam đang đặt mục tiêu lọt vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi tuổi thọ tăng cao nhưng nhiều người cao tuổi (NCT) khi bước vào độ tuổi hưu trí vẫn chưa được nghỉ ngơi vì nhiều lí do.

Vẫn còn lắm những bộn bề trong cuộc sống

Tạm gác các mốc mục tiêu kinh tế hay an sinh xã hội của Việt Nam, những người làm chính sách đang khá quan tâm tới 2 nhóm: dân số trẻ và dân số già. Bởi, dân số trẻ là thời kì dân số vàng Việt Nam cần tận dụng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nếu để vuột mất giai đoạn này thì sẽ khó đưa Việt Nam bước ra khỏi bẫy thu nhập trung bình chứ đừng nói gì tới nhóm nước phát triển có thu nhập cao.

Trong khi đó, với nhóm tuổi nghỉ hưu tăng nhanh qua các năm, Việt Nam cũng sớm bước vào thời kì dân số già khi tỉ suất sinh thay thế sẽ giảm dần qua các năm khi tới ngưỡng nhất định. Do vậy, khi mà áp lực về an sinh xã hội sẽ đè nặng lên quỹ hưu trí nói riêng, áp lực xã hội nói chung, các chính sách xã hội liên quan đến NCT nói chung và đối tượng bước vào độ tuổi hưu trí nói riêng rất đáng được quan tâm.

Thời gian qua, trên mạng xuất hiện bài thơ khuyết danh “10 dạng hưu”, nhiều NCT không chỉ thấy đúng và trúng. 10 dạng nghỉ hưu cũng như một bài tổng kết về cách chọn “hưu” của người hết tuổi lao động tại Việt Nam hiện nay, đồng thời phản ánh chân thực thực trạng xã hội và sự biến đổi lối sống trong các gia đình Việt. 

Theo TS Tâm lý Trịnh Thanh Hương, Bệnh viện Bạch Mai: Thực trạng xã hội là gì, đó là quá trình già hóa dân số nhanh đang diễn ra khiến lượng lớn người bước vào tuổi nghỉ hưu ngày một tăng, nhưng chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được khiến người bước vào tuổi hưu nhưng vẫn phải lao động. 

anh 14.jpg
Không có người chăm sóc và cần trợ giúp về y tế đang là nỗi lo của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi Việt Nam hiện nay. 

Cụ thể, số lượng người Việt không có lương hưu hiện chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 61%), nên nhiều người ở độ tuổi hưu vẫn phải lao động để sinh nhai là khá phổ biến, nhất là người cao tuổi ở quê. Nhóm người này thuộc giai tầng khi còn trẻ làm những công việc có thu nhập thấp, không có tích lũy hay hưu trí. 

Chính vì vậy, về già họ vẫn phải làm việc để duy trì cuộc sống và dành dụm chút tích lũy cho những công việc cuối đời của bản thân (ma chay, hiếu hỉ…). Hình ảnh những người cao tuổi ở quê ra thành phố làm bảo vệ, xây lắp… (với nam giới); giúp việc, bán hàng, làm đồ thủ công… (với nữ giới) ở nước ta là khá phổ biến.

Ngoài ra, không chỉ nỗi lo về kinh tế, các xung đột phát sinh thời đại mới trong các gia đình cũng khiến cha mẹ phiền lòng. Ví dụ, con cái bất hòa tranh chấp tài sản. Vợ chồng cuối đời bệnh tật triền miên khiến gia sản tiêu tán. 

Ám ảnh nỗi cô đơn khi xế bóng về già

Bên cạnh vấn đề thu nhập, câu chuyện người già cô đơn không nơi nương tựa hoặc có con cháu nhưng vẫn “cô đơn” cũng là điều đáng quan tâm trong bối cảnh Nhà/Viện dưỡng lão chưa phải là địa chỉ để người già có thể trông cậy. Ngoài lí do tài chính không cho phép thì những quan niệm xã hội, thói quen/nếp sống… cũng là những điều cản trở việc chăm sóc người già hiện nay tại nhiều gia đình.

Thực tế, mô hình gia đình hạt nhân (4 người – cha mẹ và con cái) đang thay thế mô hình gia đình truyền thống (tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường), khiến việc cha mẹ cao tuổi phải sống trong cô đơn dù con đàn cháu đống. Do đó, người già không chỉ bị xếp vào tầng lớp yếm thế, không có thu nhập (thuộc nhóm người nghèo), không có người chăm sóc và cần trợ giúp về y tế nên nỗi sợ hưu hắt cả người già đang ám ảnh một bộ phận không nhỏ người cao tuổi Việt Nam hiện nay.

Thực tế, trong nhiều gia đình người Việt hiện nay, dù đời sống kinh tế đã tốt lên nhưng “trẻ thì có thể cậy cha, nhưng già thì lại khó cậy con”. Chính vì lẽ đó, nhiều người cao tuổi đang sống trong những hoàn cảnh khá “éo le” và làm bạn với nỗi cô đơn như: Có tiền nhưng không ở gần con cháu được, không tiền và cũng không ở gần con mà phải vào Viện dưỡng lão, sống cô độc tại quê hương để trông nom mộ phần, nhà cửa của tổ tiên… Thực trạng này cũng là nỗi ám ảnh chung của người cao tuổi các nước châu Á, khi mà nếp sống và văn hóa trở thành sự trói buộc khiến người cao tuổi neo đơn không muốn vào các Trung tâm/Viện dưỡng lão.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV