Xin chào chuyên gia, tôi bị tiền đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nên phải hạn chế ăn cơm. Hằng ngày, tôi thay thế bằng khoai sọ có được không? (Hoàng Hạnh, 51 tuổi- Hoài Đức, Hà Nội)
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Khoai sọ có nhiều giá trị dinh dưỡng vì giàu protein, carotene, niacin, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, magie và các chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, hàm lượng kali trong khoai sọ rất cao và được xếp vào hàng tốt nhất trong số các loại thực phẩm.
Trong khoai sọ còn có carbohydrate phức hợp, vitamin C và các chất chống oxy hóa giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, phòng chống được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Các công dụng cụ thể của khoai sọ như sau:
1. Tốt cho trái tim
Khoai sọ cung cấp một số chất khoáng quan trọng như kẽm, magie, đồng, sắt, mangan và hàm lượng kali cao. Kali là thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể giúp điều chỉnh nhịp tim.
Hàm lượng chất xơ trong loại củ này còn có tác dụng giảm cholesterol giúp thành mạch máu sẽ không bị xơ vữa, tắc nghẽn, giúp hoạt động khỏe mạnh.
2. Tốt cho đường huyết
Khoai sọ có chỉ số đường huyết thấp giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả. Loại thực phẩm này còn giúp kiểm soát lipid và triglyceride, nhờ đó giúp giảm cân và duy trì vóc dáng. Nếu bạn tăng đường huyết nhẹ, bạn có thể thêm thực phẩm này vào bữa ăn gia đình hằng tuần để bổ sung lượng carbohydrate cho cơ thể. Hàm lượng chất xơ, carbohydrate phức sẽ làm chậm tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn.
3. Tốt cho tiêu hóa
Khoai sọ có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, nhất là đối với những người đang bị táo bón, khó tiêu hay đầy hơi. Vì trong thành phần của loại củ này chứa tới 27% chất xơ nên được phân giải và hấp thụ hoàn toàn.
Khoảng 100g khoai sọ cung cấp 4,1g chất xư (11% nhu cầu hằng ngày).
4. Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể
Khoai sọ chứa rất nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bằng cách loại bỏ các gốc tự do, cơ thể sẽ tỉnh táo và chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm khác.
5. Giảm tình trạng mệt mỏi
Chất bột đường trong khoai sọ rất nhỏ nên tốt cho các vận động viên trong việc khắc phục mệt mỏi. Loại thức ăn này cung cấp năng lượng nhưng lại không làm tăng glucose trong máu.
6. Chống lão hóa
Trong khoai sọ, vitamin E và vitamin A có khả năng chống lại sự lão hóa, bạn sẽ giảm thiểu và làm mờ được các nếp nhăn, vết thâm. Đồng thời, những tế bào bị hư hại cũng sẽ được làm trẻ hóa.
Lưu ý, khi chế biến, bạn nên luộc khoai sọ trước khi nấu canh hoặc làm các món ăn khác. Bạn cũng có thể ngâm khoai qua đêm trước khi nấu, nhằm mục đích làm giảm lượng oxalate, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận. Khi sơ chế khoai, người có da nhạy cảm nên đeo găng tay khi gọt để tránh gây kích ứng da vì trong củ này chứa chất gây ngứa.