Vấn đề tăng mức trợ cấp thất nghiệp tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các bộ ngành, địa phương.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận và An Giang do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp với người lao động mất việc làm.
Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Báo cáo cho thấy, tính đến cuối 2023, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư gần 60.000 tỷ đồng, trong khi đời sống những người lao động thất nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) về nội dung này, trước đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi người lao động thất nghiệp.
Theo Tổng Liên đoàn lao động, hiện nay đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp. Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng ít nhất lên 75% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm.
Tại phiên thảo luận dự án Luật Việc làm sửa đổi của Quốc hội vừa qua, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, thực tế với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức tiền lương bình quân hàng tháng là không đủ chi phí cuộc sống cho người lao động, đó là chưa tính đến lo cho gia đình.
Trong khi đó, mức lương doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp hầu hết theo mức lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng và mức trợ cấp thất nghiệp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng.
Bà Sang cho rằng, ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng để phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời bỏ quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.
“Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, đóng đến đâu thì hưởng đến đó và không giới hạn để tương thích với Bộ luật Lao động năm 2019 về trợ cấp thôi việc”, bà Sang nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân tỉnh Bình Dương cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp cần đảm bảo theo nguyên tắc có đóng, có hưởng nhằm cân bằng, hài hòa quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp. Do vậy, cần xem lại quy định Điều 64 dự thảo Luật quy định trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng; bị sa thải; bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH nói gì?
Trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đóng gần nhất trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam nói chung, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam và đã thực hiện thành công chính sách này như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của nước ta cũng dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% tiền lương tối thiểu theo quy định.
Triển khai thực hiện chính sách này, quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay là phù hợp với nguyên tắc mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng.
Quy định trên góp phần đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Vì theo từng năm, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng và số người lao động có thời gian tích lũy đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng dần dẫn đến thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ dài hơn.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, số thu - chi bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đã tiệm cận nhau.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trợ cấp thất nghiệp là chế độ ngắn hạn, chỉ hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động giảm bớt khó khăn khi tạm thời bị mất việc làm.
Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng ngoài đảm bảo kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn nhằm thúc đẩy người lao động chủ động, nhanh chóng tìm kiếm và chuyển sang công việc mới.