1. Ông là ai?

  • Gia Long
  • Minh Mạng
  • Thiệu Trị
  • Tự Đức
Chính xác

Vua Tự Đức là người tự viết về cuộc đời mình trên tấm bia đá. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Thì (tự là Hồng Nhậm), là hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, nối nghiệp vua cha Thiệu Trị. Trước ông, tất cả bia tại các lăng hoàng đế thời Nguyễn đều do vị hoàng đế kế nghiệp sáng tác với nội dung đề cao công lao, đức hạnh của vị hoàng đế đã mất, thường gọi là Thánh đức thần công bi ký.

Riêng vua Tự Đức vào năm 1871 đã tự tay soạn thảo Khiêm cung ký. Tấm bia nặng 20 tấn, cao hơn 4m, khắc 4.935 chữ Hán, là nơi vua Tự Đức ghi lại quá trình xây dựng lăng, mô tả cảnh quan lăng, đồng thời bày tỏ nỗi lòng của ông đối với đất nước cùng những việc riêng tư.

2. Ông kể chi tiết gì trong Khiêm cung ký?

  • Chuyện “bị lừa” 3 lạng bạc
  • Những trận đòn roi của vua cha
  • Chuyện hỏi cô lái đò làm vợ vua
  • Những lần dạy học cho hoàng tử
Chính xác

Trong Khiêm cung ký, vua kể khi sinh ra đã thường xuyên đau ốm, vú nuôi lại không sạch sẽ. Sợ con vì thế mà tối dạ, mẹ vua là Thái hậu Từ Dũ tự tay ẵm bồng, nuôi nấng. Tuổi thơ của hoàng tử gắn với kỷ niệm cầm than viết lên vách. Vua kể, Thái hậu Từ Dũ yêu thương mà nghiêm khắc, hàng ngày thường dạy con cách nói năng, đi đứng cho đúng phép tắc, chứ không để lêu lổng chơi bời

Nhà vua cũng nhớ trận đòn roi của vua cha khi một lần phạm lỗi: “Người không mấy khi răn dạy, chứ đã răn dạy, ta cố chí vâng theo”. Niềm vui Hồng Nhậm đem lại cho cha là những lần làm được thơ đối. Nhờ ham học và thông minh, ông được vua Thiệu Trị yêu quý, đi đâu thường dắt theo.

3. Đâu là nhận định đúng về ông?

  • Ông là vị vua trị vì lâu nhất triều Nguyễn
  • Ông là vị vua nhiều con nhất sử Việt
  • Ông là vua triều Nguyễn tại vị ngắn nhất
  • Ông là vị vua có nhiều hoàng hậu nhất sử Việt
Chính xác

Vua Tự Đức là vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn với 36 năm, từ 1847 đến 1883. Theo các tư liệu lịch sử, trong suốt 36 năm làm vua, dù rất bận với công việc triều chính nhưng cứ ngày lẻ vua thiết triều, còn ngày chẵn vào chầu cung thăm nom mẹ, không khi nào chểnh mảng. Nhờ được mẹ dạy dỗ nghiêm khắc ngay từ nhỏ, vua Tự Đức không vướng vào lối ăn chơi xa xỉ như nhiều hoàng tử khác.

4. Vua có mấy người con ruột?

  • 0
  • 1
  • 2
  • 3
Chính xác

Dù có 103 bà vợ nhưng vua Tự Đức không có người con ruột nào vì lúc nhỏ mắc bệnh đậu mùa, lại đau ốm liên miên nên sức khỏe không được tốt. Ông nhận 3 người cháu ruột làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Biện và Ưng Đăng.

Trong đó, Ưng Chân là con trai của Thoại Thái Vương Hồng Y, được giao cho Hoàng Quý phi Vũ Thị Duyên Hải, vợ chính của vua Tự Đức nuôi dạy. Sau này khi Tự Đức qua đời, Ưng Chân được lên làm vua, được gọi là vua Dục Đức.

5. Bia Khiêm Cung đang được đặt ở đâu?

  • Đà Nẵng
  • Huế
  • Nghệ An
  • Thanh Hóa
Chính xác

Bia Khiêm Cung Ký đang đặt tại lăng vua Tự Đức ở phường Thủy Xuân (thành phố Huế). Với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt bia, đây là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất.

Đặc biệt, bia Khiêm Cung Ký cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia. Tấm bia này được đánh giá có hình thức độc đáo nhất trong các bia lăng hoàng đế thời Nguyễn. Năm 2015, bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia.