1. Ông là ai?

  • Lý Phật Tử
  • Triệu Việt Vương
  • Đào Lang Vương
  • Mai Thiếu Đế
Chính xác

Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục) là người giỏi võ nghệ, từ sớm cùng cha theo Lý Nam Đế khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương. Trong cuộc chiến với quân Lương xâm lược (năm 545-550), ông cầm binh mưu trí chống trả và đánh đuổi được giặc, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân.

Năm 548, sau khi Lý Nam Đế mất, tướng sĩ tôn ông lên thay Lý Nam Đế, nhưng ông chỉ xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua họ Triệu, tên húy là Quang Phục, là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, uy tráng, dũng liệt, theo Nam Đế đi đánh dẹp có công, được trao chức Tả tướng quân. Nam Đế mất, bèn xưng vương, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh”.

2. Lý Phật Tử (họ hàng của Lý Nam Đế) từng âm mưu chiếm ngôi vua. Vị vua này đã xử lý thế nào?

  • Xử trảm
  • Làm hòa
  • Đi đày
  • Ban chức quan
Chính xác

Năm 557, người họ hàng của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương hòng chiếm ngôi vua. Sau 5 lần đánh nhau, liệu thế không thể thắng được triệu Việt Vương trên chiến trường, Lý Phật Tử bèn xin giảng hòa.

Triệu Việt Vương nghĩ Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt nên đã đồng ý giảng hoà, chia địa giới cai quản đất nước. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua nghĩ Phật Tử là người họ của Tiền Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (xã Thượng Cát, Hạ Cát ở huyện Từ Liêm).

Sau Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của vua là Cảo Nương. Vua bằng lòng, bèn thành thông gia. Vua yêu quý Cảo Nương, cho Nhã Lang ở gửi rể”.

3. Vì sao ông lại gieo mình xuống biển tự vẫn?

  • Để mất nước vào tay nhà Lương
  • Bị mất ngôi do phản nghịch
  • Bị ép tự tử
  • Bị quân địch lừa
Chính xác

Lý Phật Tử sau khi được chia đất, kết thông gia với vua Triệu Việt Vương, vẫn mưu đồ thôn tính ngai vàng. Ông luôn ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng, chờ cơ hội hành động. Năm 571, Phật Tử làm phản, bất ngờ đem quân đánh Triệu Việt Vương. Vì không phòng bị, vua họ Triệu thua trận, chạy đến cửa biển Đại Nha (nay là cửa sông Đáy, Nam Định), cùng đường và gieo mình xuống biển tự tử. Ông chết khi ở ngôi vua 23 năm.

4. Đền thờ của ông hiện ở đâu Hưng Yên?

  • Tiên Lữ
  • Văn Giang
  • Văn Lâm
  • Khoái Châu
Chính xác

Ghi nhận công lao của Triệu Việt Vương, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ông tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ngôi đền thờ được hoàn thành với diện tích trên 13.700m2. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài kết hợp với hoa văn trang trí đặc thù.

Năm 2022 là năm đầu tiên xã Dạ Trạch tổ chức phục dựng Lễ hội Triệu Việt Vương, tái hiện lại những hình ảnh của đội quân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch. Chính hội tổ chức vào ngày 12/8, tương truyền là ngày Triệu Quang Phục tế cờ ra quân đánh giặc.

5. Con phố ở Hà Nội mang tên Triệu Việt Vương được mệnh danh là gì?

  • Phố sách
  • Phố đèn
  • Phố cà phê
  • Phố đi bộ
Chính xác

Một con phố ở Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đặt theo tên vua nước Vạn Xuân là Triệu Việt Vương. Phố dài hơn 700 m nối từ đường Nguyễn Du đến Đoàn Trần Nghiệp, cắt ngang các phố Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành. Con phố này được mệnh danh là “phố cà phê” bởi đây là nơi tụ hội của các quán cà phê đa phong cách.