1. Vị vua nào đặt chân dung người tài ngay cạnh ngai vàng?

  • Lê Thánh Tông
  • Lê Nhân Tông
  • Lê Thái Tông
  • Lý Thánh Tông
Chính xác

Lê Nhân Tông (1441-1459) rất trọng người tài. Nguyễn Trực - trạng nguyên đầu tiên của vương triều nhà Hậu Lê - được vua yêu mến. Ông được giao giữ chức Thiếu trung khanh đại phu, kiêm Ngự sử đài ngự sử thị Đô úy. Tuy nhiên, tự thấy mình còn trẻ, nhận chức như vậy là quá lớn, ông dâng biểu tạ ân nhưng khiêm tốn từ chối chức vị. Vua Lê phải ra sắc dụ tới 3 lần ông mới chịu nhận.

Dù trẻ tuổi nhưng ông làm việc đúng mực, cương trực, thẳng thắn, vì thế được nhà vua quý trọng. Theo sách “Những người thầy trong sử Việt”, khi mẹ Nguyễn Trực qua đời, ông từ quan về chịu tang. Vua Lê Nhân Tông đã cho người vẽ hình quan Trạng để bên cạnh ngai vàng để không khi nào cảm thấy vắng ông.

2. Ông lên ngôi năm mấy tuổi?

  • 1 tuổi
  • 7 tuổi
  • 10 tuổi
  • 17 tuổi
Chính xác

Vua Lê Nhân Tông có tên thật là Lê Bang Cơ, con vua Lê Thái Tông. Do vua cha mất sớm trong vụ án Lệ Chi Viên, ông được triều thần tôn lên làm vua khi mới hơn 1 tuổi. Đây cũng là vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam.

3. Ai làm nhiếp chính khi ông còn quá nhỏ?

  • Lê Bôi
  • Trịnh Khả
  • Nguyễn Thị Anh
  • Nguyễn Xí
Chính xác

Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc hơn 1 tuổi, Nguyễn Thị Anh, mẹ vua được tôn làm hoàng thái hậu, phải buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước. Theo Đại Việt thông sử, các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính nhưng bà không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ tư, bà mới nhận lời. Trong thời gian nhiếp chính, hoàng thái hậu giúp cả nước được bình yên.

Đến khi vua tự coi chính sự, ông được khen anh minh, biết dụng người tài. Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét rằng: “Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ...”.

4. Ông mất vì lý do gì?

  • Bị ốm bệnh
  • Bị sát hại
  • Bị đầu độc
  • Bị bỏ đói
Chính xác

Khi vua Lê Nhân Tông lên ngôi, Lê Nghi Dân, con trưởng của vua Lê Thái Tông vẫn ngầm nuôi ý khác. Trước đó, Lê Nghi Dân được lập làm hoàng thái tử nhưng bị truất xuống làm Lạng Sơn vương. Theo Đại Việt thông sử, Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng.

Theo Việt sử giai thoại, Lê Nghi Dân tập hợp hơn một trăm thủ hạ thân tín. Đêm 3/10/1459, Lê Nghi Dân quyết định cùng bộ hạ bắc thang trèo tường và lẻn vào giết chết nhà vua. Hôm sau, Lê Nghi Dân giết bà Nguyễn Thị Anh và một số người khác, rồi tự lập mình làm vua.

5. Sau khi ông mất, Nguyễn Trực đã làm gì?

  • Cáo quan về dạy học
  • Đứng lên khởi nghĩa
  • Tự sát
  • Viết văn tế tố cáo tội
Chính xác

Sau khi vua mất, Nguyễn Trực đã thảo văn tế với lời lẽ thống thiết, kể hết công đức của tiên đế và gián tiếp lên án sự vô đạo của Nghi Dân trước triều đình. Nghi Dân vì thế rất căm tức quan Thượng thư của triều cũ và mang ý định trả thù. Tuy nhiên, vua chỉ ở ngôi được một năm, chưa kịp giáng tội cho Nguyễn Trực thì đã bị các đại thần làm binh biến lật đổ.