Với nhiều tính năng tích hợp tiện lợi, các siêu ứng dụng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn khi mọi người nhận ra tiềm năng của chúng. Gần đây, Rakuten Viber đã triển khai Viber Pay tại một số quốc gia Châu Âu thông qua danh sách chờ. Hãng này cho biết, Viber Pay sẽ sớm được ra mắt ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng 8, ông Ofir Eyal, Giám đốc điều hành mới của Rakuten Viber cho biết, đang đưa ứng dụng nhắn tin này vào hạng mục công nghệ tài chính nhằm mang đến nhiều tính năng hơn cho người dùng bên cạnh việc nhắn tin và gọi điện. Viber triển khai dịch vụ thanh toán, cho phép người dùng thiết lập ví điện tử ngay trong nền tảng này. Ví điện tử này có thể được liên kết với tài khoản ngân hàng cũng như thẻ Visa và Mastercard để chuyển tiền cho các cá nhân, mua hàng và thanh toán hóa đơn. Đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch đưa Viber trở thành siêu ứng dụng.

Viber Pay cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau dễ dàng như gửi tin nhắn một cách an toàn, nhanh chóng và miễn phí. Người dùng sẽ sớm có quyền truy cập vào các khoản thanh toán qua ví Viber-to-Viber cho các giao dịch bằng đồng Euro trong nước và xuyên biên giới, với kế hoạch sớm mở rộng thêm nhiều loại tiền tệ. 

Viber Pay sẽ sớm được triển khai ở Việt Nam
 

Người dùng Viber sẽ nhận được các ưu đãi độc đáo từ các thương hiệu cao cấp với quy đổi rõ ràng và dễ dàng. Trong các dự án mở rộng tiếp theo, công ty có kế hoạch giới thiệu hình thức thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán cho hàng hóa và bắt đầu phát hành thẻ ghi nợ kỹ thuật số được gắn vào ví điện tử Viber Pay.
 
Việc triển khai tính năng thanh toán Viber Pay nằm trong chiến lược của siêu ứng dụng này trong việc đẩy mạnh Thương mại điện tử trên Viber thông qua chatbots và tin nhắn doanh nghiệp.

Theo Berina Tanovic, Giám đốc đối tác cấp cao trong MENA tại Rakuten Viber, nếu một nhãn hàng có một ứng dụng nhắn tin hỗ trợ thanh toán liền mạch, họ sẽ loại bỏ thêm một trở ngại giữa khách hàng và mua hàng. Viber Pay hiện đã có mặt tại Hy Lạp và Đức, dự kiến ​​sẽ sớm có mặt trên thị trường toàn cầu, nó cho phép các nhãn hàng thanh toán trong ứng dụng dễ dàng và an toàn.
 
Các nhãn hàng cũng có thể chuyển sang các giải pháp thanh toán trong ứng dụng Chatbot, cực kì dễ tích hợp vào ứng dụng để sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng nhắn tin để dẫn khách hàng đến trang web hoặc ứng dụng của nhãn hàng để thực hiện thanh toán (và sau đó vẫn tiếp tục các cuộc trò chuyện sau giao dịch trong ứng dụng nhắn tin). Bằng cách này, các thương hiệu có thể cung cấp trải nghiệm thanh toán liền mạch cho khách hàng nhưng vẫn duy trì tương tác với các khách hàng.

Mới đây, ứng dụng thanh toán Google Wallet đã chính thức có mặt tại Việt Nam và nhanh chóng được các ngân hàng, hệ thống tín dụng tích hợp để mang đến những thuận lợi của người dùng trong sử dụng thanh toán không tiền mặt. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển thanh toán điện tử. Ảnh: Duy Vũ

Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh trong khu vực và có nhiều tiềm năng để thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và sự phổ cập của điện thoại thông minh, người tiêu dùng đang dần chuyển hướng sang sử dụng ví kỹ thuật số để thanh toán cho các giao dịch trực tuyến.
 
Theo Báo cáo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, trong năm qua, có tới 94% người tiêu dùng tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán kỹ thuật số, và 60% trong số đó sử dụng ví điện tử bằng thao tác chạm trên điện thoại thông minh. 

Báo cáo này cũng chỉ ra, người tiêu dùng cũng dự đoán sử dụng ví điện tử nhiều hơn trong tương lai; 77% cho biết sẽ sử dụng ví điện tử trên điện thoại thông minh thường xuyên hơn trong năm tới. Việc có thêm các ứng dụng thanh toán toán Google Wallet tại Việt Nam sẽ giúp mọi đối tượng người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn thanh toán hơn, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận với các phương thức thanh toán kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu và lối sống đang thay đổi từng ngày.