Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam có sự bứt tốc mạnh. Dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn rất lớn, mở ra cơ hội tăng trưởng cho dịch vụ này. Trong giai đoạn hiện nay, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm khách hàng và tính bảo mật là những yếu tố hấp dẫn người dùng đến với dịch vụ.

Người dân đã quen thuộc với những phương thức thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Linh Đan

Chỉ với một chiếc điện thoại đăng ký tài khoản tiền di động gắn liền với số điện thoại mọi giao dịch tài chính hằng ngày của người dân có thể thực hiện dễ dàng. Đại diện Viettel Money chia sẻ: Xuất phát từ những câu chuyện mua bán thực tế của người dân như không có tiền lẻ trả lại, đi chợ quên tiền hay trả nhầm khi giao dịch, chúng tôi đã giới thiệu ứng dụng Viettel Money, giúp người dân trên mọi miền đất nước được tiếp cận với tài chính số.

Chia sẻ về sự phát triển của MoMo - ông Nguyễn Bá Diệp đồng sáng lập nền tảng này cho biết, vào năm 2016, MoMo chỉ có 1 triệu khách hàng, thế nhưng đến năm 2019, số khách hàng tăng lên 10 triệu. Sau 2 năm đại dịch Covid-19, lượng người dùng MoMo tăng thêm 10 triệu nữa thành 20 triệu. Trên ứng dụng MoMo, người dùng có thể thanh toán các hóa đơn, dịch vụ hành chính công, chuyển tiền, mua sắm thương mại điện tử...

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.

Ngoài ra, với ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử trên điện thoại di động và việc tạo lập, mở rộng hệ sinh thái số của các ngân hàng, trung gian thanh toán, người dân không chỉ đơn thuần thực hiện chuyển tiền, vấn tin mà có thể dùng dịch vụ này để thanh toán, chi trả cho hầu hết mọi nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng ngày, cả trực tuyến và trực tiếp. Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hằng năm, với 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. Đáng chú ý, chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang thu hút rất nhiều mối quan tâm người dân và các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, tạo nên sự cạnh tranh trong cuộc đua nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, phải phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa - đây là khu vực chưa thực sự tiếp xúc với các dịch vụ thanh toán hiện đại. Nghịch lý là nhiều giao dịch không tiền mặt tập trung ở thành phố, trong khi người dân nông thôn chiếm 70%. Nếu chúng ta nâng cấp được thị trường này thì sẽ bao phủ thanh toán đến nhiều người, rút ngắn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, để người dân ở các miền quê có thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dân số toàn cầu.

Nhiều giải pháp nhằm phát triển nhanh và an toàn lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được các chuyên gia đưa ra. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, bao gồm cả các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là yêu cầu đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực fintech, tài chính số.

Theo các chuyên gia, hạ tầng số cần được phát triển nhanh chóng, phấn đấu rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, để hệ thống thanh toán Việt Nam hòa nhập và phát triển hệ sinh thái thuận tiện cho khách hàng, an toàn bảo mật thông tin, xử lý nhanh chóng vướng mắc của khách hàng.

Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, có cơ chế chia sẻ dữ liệu và bảo mật, phát triển hạ tầng công nghệ số…