TIN BÀI KHÁC:
Ai Cập hứng chịu nhiều bất ổn kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ. |
Một bên tranh luận cho rằng, viện trợ quân sự hào phóng mang lại cho Mỹ sức mạnh ở những nước có thể phớt lờ - hoặc thậm chí phản đối - các mong muốn của Mỹ. Chẳng hạn ở Ai Cập, nó đã khiến cho Tướng Abdel al-Sisi phải nhận các cuộc điện thoại của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và lắng nghe kêu gọi của ông về một giải pháp chính trị và phi bạo lực.
Bên kia của lập luận này chỉ ra rằng, tướng Sisi đã bỏ ngoài tai những lời kêu gọi đó, bằng chứng là vẫn có hàng trăm người chết và bị cầm tù, và rằng việc tiếp tục viện trợ khiến cho Mỹ trông có vẻ bàng quang trước các vấn đề nhân quyền và dân chủ.
Điều đó cũng tương tự ở Pakistan. Kể từ năm 2001, Mỹ đã rót hàng chục tỷ đôla viện trợ quân sự cho quân đội đất nước Nam Á này. Nhưng mặc dù quân đội Pakistan từ lâu vẫn đảm bảo với Washington rằng họ sẽ diệt trừ các tay súng Hồi giáo bên trong biên giới nước này và xoa dịu căng thẳng với Ấn Độ thì Islamabad vẫn nổi tiếng là đang chơi trò hai mang khó tin với Mỹ.
Vấn đề luôn là điều gì sẽ xảy ra ở những nước đó nếu Mỹ chỉ đơn giản nói rằng "sẽ không có súp dành cho bạn". Liệu câu nói đó có chọc giận các tướng lĩnh và khuyến khích họ theo đuổi các chính sách mà Mỹ phản đối? Hay nó sẽ phát đi một thông điệp cứng rắn rới các nước đó, rằng họ sẽ không thể nhận viện trợ của Mỹ mà không có trách nhiệm gì - và buộc họ phải hành động kiên quyết thì mới có lại được tiền của Mỹ?
Tất nhiên, đó là điều không đơn giản. Các tướng lĩnh ở Cairo đã duy trì các mối quan hệ hữu hảo với Israel - một lý do chủ chốt của viện trợ từ Mỹ - và cho Mỹ quyền tiếp cận ưu tiên với Kênh đào Suez.
Như Steven Simon, giám đốc Viện Quốc tế về Các nghiên cứu chiến lược-Mỹ, chỉ ra rằng viện trợ quân sự Mỹ "luôn để nhằm đảm bảo các kết quả chính sách ngoại giao, chứ không phải những sắp đặt chính trị trong nước mà Mỹ ủng hộ".
Và Pakistan đã làm rất nhiều để giúp Washington chiến đấu chống al-Qaeda, nổi
bật nhất là cho phép Mỹ tiến hành hàng chục cuộc oanh kích bằng máy bay không
người lái trên đất của họ.
Ngày 9/10, chính quyền Obama thông báo sẽ giữ lại hàng trăm triệu đôla tiền viện
trợ và trang thiết bị cho Ai Cập, chẳng hạn như các máy bay Apache và chiến đấu
cơ F-16 nhưng họ không cắt bỏ hoàn toàn.
"Chúng tôi quyết định sẽ duy trì mối quan hệ của mình với chính phủ Ai Cập", một thông điệp chính thức của chính quyền Obama nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama cắt giảm viện trợ quân sự cho Ai Cập rõ ràng là một đòn trừng phạt đối với quân đội nước này. Nó sẽ mang tính răn dạy để xem liệu tướng Sisi và các tướng lĩnh dưới quyền ông có nới lỏng chiến dịch trấn áp nhằm vào phong trào Tình Anh em Hồi giáo - hay họ sẽ hành động như thể không cần đến người Mỹ.
Điều đó sẽ làm sáng tỏ cuộc tranh luận về việc liệu viện trợ quân sự nước ngoài có mang về sức mạnh thực sự cho người Mỹ hay cường quốc này đơn giản là chỉ bị lợi dụng mà thôi.
Thanh Hảo (Theo TIME)