Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ) đã họp toàn thể thảo luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Bản kiến nghị vừa được chuyển cho Ủy ban dự thảo sửa đổi HP, chứa đựng khá nhiều góp ý với những điều khoản quan trọng của HP.

>> Toàn cảnh góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Đại đoàn kết dân tộc là nền tảng

Cụ thể, về chế độ chính trị, tại điều 2, đề nghị thay cụm từ “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ “nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Giải thích về đề xuất này, BCĐ cho rằng nội dung “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã được quy định đầy đủ trong Điều lệ và các văn kiện của Đảng. Mặt khác, giai cấp là khái niệm có tính lịch sử - chính trị. Vị trí, vai trò và tương quan của các giai cấp trong xã hội luôn có sự thay đổi. Luôn có một bộ phận nhân dân không xác định được mình thuộc giai cấp nào. Chưa kể, diễn đạt như dự thảo thì giới doanh nhân sẽ thấy bị đặt ngoài HP. Về mặt chính trị, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, cho rằng Nhà nước ta luôn nhấn mạnh hoặc coi trọng tính giai cấp, xem nhẹ các quan hệ dân sự và vai trò của công dân.

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia... về dự thảo sửa đổi Hiến pháp do UB TƯ MTTQ tổ chức ngày 27/3. Ảnh: Minh Thăng
Trong khi đó, đoàn kết là truyền thống lâu đời của dân tộc, đã được Hồ Chủ tịch vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng đường lối cách mạng của Đảng và đã tổng kết thành khẩu hiệu, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân. Trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết đã được Cương lĩnh 2011 khẳng định như một bài học quan trọng, khẳng định là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng. Vì vậy, sửa điều 2, khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” không chỉ là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, mà còn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo đồng thuận toàn Đảng, toàn dân.

Điều 4 ngắn gọn, đúng kỹ thuật lập hiến

Cũng về chế độ chính trị, BCĐ đồng tình với việc khẳng định rõ tại điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, kỹ thuật lập hiến đòi hỏi văn phong HP phải ngắn gọn, rõ ràng, đúng tính chất là luật cơ bản của nhân dân thì các nội dung thuộc về bản chất của Đảng, đã được khẳng định rõ trong Điều lệ và các văn kiện của Đảng giờ không nên đưa vào HP. Vì vậy, khoản 1 điều 4 dự thảo nên được viết lại như sau: “Đảng Cộng sản VN, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc VN, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Tương tự, BCĐ đề xuất sửa đổi một số nội dung ở điều 8 dự thảo, trong đó đáng chú ý là kiến nghị bỏ cụm từ “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” ở cuối khoản 1. Lập luận là tổ chức và hoạt động của Nhà nước được thực hiện bởi nhiều nguyên tắc khác nhau và đã được quy định rõ trong các văn bản luật về tổ chức bộ máy. Nếu HP chỉ đưa ra một nguyên tắc tập trung dân chủ như dự thảo thì sẽ dẫn đến hiểu lầm là các cơ quan nhà nước chỉ hoạt động, vận hành theo nguyên tắc này. Vì vậy, đề nghị quy định ngắn gọn tại khoản 1 điều 8, phản ánh đúng bản chất pháp quyền của Nhà nước: “Nhà nước tổ chức và hoạt động theo HP và pháp luật, quản lý xã hội bằng HP và pháp luật”.

Làm rõ vai trò Chủ tịch nước

Về các điều khoản liên quan đến chế định Chủ tịch nước, BCĐ cho rằng cần bám sát yêu cầu của Đại hội XI về nghiên cứu, xác định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trên tinh thần đó, BCĐ đề nghị bổ sung vào khoản 5 điều 93 dự thảo quyền của Chủ tịch nước “quyết định các biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”…

Cũng về chế định Chủ tịch nước, kiến nghị của BCĐ chỉ ra khiếm khuyết của dự thảo là ở các chương về Chính phủ, TAND, VKSND đều quy định nghĩa vụ các chủ thể này báo cáo công tác với Chủ tịch nước nhưng lại không làm rõ Chủ tịch nước làm gì khi nghe báo cáo. Vì vậy, BCĐ kiến nghị khi nghe báo cáo, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Thủ tướng, chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC giải trình những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm. Đồng thời, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC; khi cần thiết có thể yêu cầu các cơ quan này họp bàn về những vấn đề Chủ tịch nước quan tâm.

Bổ sung, làm rõ những nhiệm vụ, quyền hạn ấy, theo BCĐ là phù hợp với vị trí đặc biệt của chế định Chủ tịch nước - gắn kết ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trao thực quyền cho Hội đồng HP

Về Hội đồng HP, BCĐ cho rằng dự thảo chưa cụ thể hóa được quan điểm Đại hội X và Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm HP trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Vì vậy, Điều 120 dự thảo cần sửa đổi, bổ sung khẳng định Hội đồng HP có thẩm quyền: Giải thích HP (dự thảo giữ nguyên như HP 1992, giao cho Ủy ban Thường vụ QH); kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các văn bản pháp quy do QH ban hành, nếu phát hiện vi phạm HP thì tạm đình chỉ thi hành, yêu cầu QH xem xét lại tại kỳ họp gần nhất; kiểm tra, kết luận các văn bản của các cơ quan nhà nước khác, nếu phát hiện có vi phạm HP thì những văn bản đó mất hiệu lực thi hành; kiểm tra tính hợp hiến của các điều ước quốc tế trước khi VN phê chuẩn; và xem xét, kết luận các kiến nghị về văn bản và hành vi vi hiến của các tổ chức và cá nhân.

Điều 120 cũng cần nói rõ Hội đồng HP do Chủ tịch nước đứng đầu và các thành viên khác là đại diện QH, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, cùng những chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực, có uy tín trong xã hội do QH bầu.

Theo Nghĩa Nhân - Pháp luật TP.HCM

Các tin liên quan

Triệu góp ý và một bản dự thảo

Hiến pháp nên đề cập về Đảng thế nào?

Nguyên thủ thực quyền, quốc gia thực lực

Tiếp thu điều gì sau 2 tháng góp ý Hiến pháp?

'Vì dân nên phải hiến định điều 4'

3 câu hỏi về kiểm soát quyền lực