Tùy viên Văn hoá tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Kate Barlett trả lời phỏng vấn về hợp tác giáo dục hai nước:
Hợp tác giáo dục đang là một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ nhất giữa Việt Nam và Mỹ. Những năm gần đây, hai bên đã triển khai các chương trình hợp tác cụ thể, thiết thực ra sao?
Việt Nam và Mỹ đều đánh giá hợp tác giáo dục phát triển rất mạnh mẽ. Việc đào tạo một thế hệ mới của cả hai bên là một trong những vấn đề hợp tác quan trọng nhất và ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ qua các năm. Chúng tôi rất vui mừng khi số lượng sinh viên Việt Nam tham gia học và nghiên cứu ở Mỹ ngày càng tăng.
Ở Mỹ có 4.500 các trường đại học và cao đẳng, tạo cơ hội học tập phong phú cho sinh viên Việt Nam. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại Mỹ. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về giáo dục Mỹ, đồng thời góp phần thúc tăng cường hợp tác giáo dục hai nước. 70% số lượng sinh viên theo học tại Mỹ tham gia các ngành học như khoa học, kinh tế, toán học, kỹ sư và quản lý… Khi trở về nước, các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.
Chính phủ Mỹ có khoảng 30 chương trình trao đổi học tập với Việt Nam. Hợp tác hai bên không chỉ dừng lại là tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập. Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), chúng tôi còn triển khai nhiều chương hỗ trợ và phát triển giáo dục Việt Nam.
Tháng 8/2022, Đại sứ Marc Knapper đã thông tin về việc Chính phủ Mỹ thông qua USAID chính thức khởi động dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, viết tắt là PHER. Đây là dự án có ngân sách 14,2 triệu USD, do USAID tài trợ không hoàn lại. Dự án kéo dài trong 5 năm, từ 2022 - 2026. Dự án sẽ giúp 3 đại học lớn hàng đầu Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, để 3 ĐH trở thành các hình mẫu của nền giáo dục đại học hiện đại tại Việt Nam.
Ngoài ra chúng tôi còn có chương trình tiếng Anh khu vực, đào tạo giáo viên tiếng Anh của Việt Nam…
Để sinh viên Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn
Trong quá trình hợp tác về giáo dục, còn có vướng mắc hay khó khăn nào cần tháo gỡ để hợp tác hai bên ngày càng sâu sắc hơn?
Nhìn chung hai nước đều tích cực thúc đẩy hợp tác, và hai bên đều đánh giá cao giáo dục thế hệ trẻ, chúng tôi hầu như không gặp khó khăn nào. Vẫn còn vấn đề tồn tại là số lượng học giả có bằng tiến sĩ ngành giáo dục còn chưa cao, không thuận lợi cho phát triển giáo dục.
Tôi đã tham dự một hội thảo của Bộ Giáo dục cùng các đại sứ quán khác về Đề án 89, bàn về việc làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tại hội thảo, tôi nói rằng, USAID thông qua Đề án 89 có thể giúp đỡ những người muốn sang Mỹ học tiến sĩ. Ngoài ra chúng tôi còn có Chương trình Fullbright với những học giả, sinh viên Mỹ sang Việt Nam học tập và nghiên cứu. Sau này khi trở về Mỹ, họ vẫn có thể giúp các học giả và sinh viên Việt Nam trong việc làm hồ sơ, tìm kiếm các trường học.
Chúng tôi cũng đang làm việc với các bên về một chương trình cho vay tài chính với sinh viên Việt Nam.
Tại buổi giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet gần đây, Đại sứ Knapper nhấn mạnh đến sự tăng trưởng rất lớn trong hợp tác giáo dục hai nước, đồng thời đề cập tới mong muốn làm sao tăng số lượng sinh viên và thanh niên Mỹ tới Việt Nam học tập. Trong giai đoạn tới, Mỹ sẽ làm những gì để hợp tác giáo dục mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai nước?
Chúng tôi mong muốn tạo ra chương trình du học tại Việt Nam và phổ biến hơn chương trình này, để sinh viên Mỹ biết nhiều hơn và mong muốn tới Việt Nam học tập. Chúng tôi cũng đã trao đổi với các trường đại học để có những chương trình đào tạo bằng tiếng Anh không chỉ cho sinh viên Mỹ mà cả sinh viên các nước khác muốn đến Việt Nam học tập.
Chúng tôi đánh giá ngày càng có nhiều trường đại học ở Việt Nam có chương trình liên kết với những trường đại học nước ngoài. Ở đây có vấn đề là cấp thị thực cho sinh viên Mỹ sang Việt Nam học. Chúng tôi đang làm việc với các trường, bộ ban ngành để làm sao tối giản nhất thủ tục này.
Mở rộng cơ hội cho sinh viên ở nơi xa xôi
Một trong những chương trình hợp tác giáo dục quan trọng nhất giữa hai nước là Chương trình Fullbright. Chương trình trao đổi giáo dục quốc tế hàng đầu này của chính phủ Mỹ bắt đầu từ khi nào, với mục tiêu gì?
Chương trình do Thượng nghị sĩ William Fulbright thành lập vào năm 1946 sau Thế chiến 2 và được coi là một trong những học bổng được uy tín nhất trên thế giới. Quốc hội Mỹ thời Tổng thống Truman đã phê chuẩn chương trình này với mục đích tạo ra sự hiểu biết giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Hiện có 160 quốc gia đã tham gia vào Chương trình này và có hơn 400 nghìn học giả, sinh viên Fulbright trên toàn thế giới. Trong số này hiện có hơn 40 là tổng thống, thủ tướng các nước; 60 người đạt giải Nobel…
Những người Việt Nam tham gia Chương trình này giữ nhiều trọng trách trong chính phủ, hoặc là doanh nhân thành đạt, hay nhà báo nổi tiếng.
Chương trình Fulbright tại Việt Nam được thành lập vào năm 1992 nghĩa là thậm chí còn trước khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ (năm 1995). Những người được lựa chọn tham gia chương trình Fulbright (của cả Mỹ và Việt Nam) có sứ mệnh ra sao?
Chúng ta đã tiến rất xa khi trở thành bạn bè của nhau và đối tác phát triển. Trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, chỉ có hai chương trình hợp tác hai bên. Đó là tìm kiếm người Mỹ mất tích và Chương trình Fulbright. Như vậy đủ thấy quan hệ hai bên đã phát triển tích cực và nhanh chóng ra sao.
Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm Chương trình Fulbright tại Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ đã tổ chức Chương trình Fulbright Alumbus, với hành trình xuyên suốt Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về chương trình thú vị này?
Tôi đã làm việc trong hệ thống ngoại giao của Mỹ hơn 10 năm, nhưng tôi chưa thấy một chương trình nào tương tự. Đó là tình yêu của những bạn sinh viên tham gia Chương trình Fulbright dành cho đất nước Việt Nam, cho sự hợp tác Việt-Mỹ.
30 năm là hành trình dài, và chúng tôi cần làm điều gì đó đặc biệt để kỷ niệm dấu mốc này. Chúng tôi không chỉ muốn nói riêng về Fulbrighter Việt Nam hay Fulbrighter Mỹ. Với người Mỹ tham gia chương trình, chúng tôi muốn họ tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam. Có khá nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia chương trình Fulbright và có người chưa từng trở về Việt Nam.
Đây là cơ hội đặc biệt để họ có thể tự mình trải nghiệm Việt Nam chứ không chỉ qua lời kể của ông bà hay cha mẹ.
Với người Việt tham gia chương trình Fulbright, họ có cơ hội giới thiệu với bạn bè về tỉnh thành nơi họ sinh sống.
Trải qua 30 năm thành lập, chương trình Fulbright tại Việt Nam hiện tại phát triển ra sao? Chương trình này đóng góp như nào cho quan hệ hai nước nói chung?
Hiện nay chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính. Đầu tiên chúng tôi muốn tạo ra một chương trình đa dạng hơn. Chương trình Fulbright không chỉ dành cho học giả, sinh viên hay giáo viên ngoại ngữ. Chúng tôi có rất nhiều nội dung khác và muốn chia sẻ, quảng bá rộng rãi hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho những người muốn giành học bổng Fulbright tại Việt Nam, ở những tỉnh thành xa xôi hơn chứ không chỉ thành phố lớn.
Thứ hai, chúng tôi muốn tạo ra sự kết nối hơn giữa những người tham gia chương trình Fulbright của cả Việt Nam và Mỹ.
Cuối cùng, chương trình Fulbright có thể giúp cho sự phát triển nhiều ngành nghề khác nhau tại Việt Nam như kinh doanh, khoa học kỹ thuật… Khi đánh giá xem xét hồ sơ, chúng tôi không chỉ dành cơ hội học bổng cho một ngành nào đó, chúng tôi muốn tạo cơ hội cho mọi ngành, để khi mọi người hoàn thành chương trình trở về nước, có thể giúp phát triển Việt Nam trở thành nơi mà mọi người đều muốn đến và sống.
Thái An - Bạt Tuấn